Bức tranh cuộc sống con người nơi phố huyện trong Hai đứa trẻ - Thạch Lam

Trung bình: 3,71
Đánh giá: 7
Bạn đánh giá: Chưa

          Cất lên từ khúc hát tình si nồng nàn say đắm tưởng chừng như muốn bùng cháy, khao khát của những con người nơi phố huyện nghèo trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam đã ăn sâu vào tâm trí người đọc và để lại một ấn tượng sâu sắc đến ám ảnh. Phải chăng tác giả đã viết ra bằng những xúc cảm tinh tế mà mãnh liệt nhất chính cuộc sống thuở nhỏ của mình nơi phố huyện xưa? Có lẽ bởi vì thế mà tác phẩm đi vào lòng người đọc như một nốt nhạc du dương, nhẹ nhàng đến lạ kì. Và một trong những bức tranh u tối về phố huyện nhỏ này chính là cuộc sống con người lúc màn đêm buông xuống.


Phần thân bài phân tích Bức tranh cuộc sống con người nơi phố huyện trong Hai đứa trẻ - Thạch Lam

          Thạch Lam là một nhà văn Việt Nam nổi tiếng thuộc nhóm Tự lực văn đoàn, ông sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình công chức gốc quan lại. Sinh ra trong thời kì đất nước khó khăn, với cuộc sống lao lực vì miếng cơm manh áo đã làm Thạch Lam sớm mắc căn bệnh lao phổi, một căn bệnh nan y thời bấy giờ. Ông mất năm 1942, lúc mới 32 tuổi, khi đang còn trong độ tuổi rực rỡ trên văn đàn. Là thành viên của Tự lực văn đoàn, nhưng khác với Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng...ngòi bút của Thạch Lam có khuynh hướng đi gần với cuộc sống của những người dân bình thường nghèo khổ. Thạch Lam viết nhẹ lắm, nhưng càng nhẹ lại càng đau, càng thấm. Dù Thạch Lam viết nhiều đề tài, nhưng chủ yếu ông vẫn dành nhiều sự ưu ái cho phụ nữ và trẻ nhỏ. Trẻ em trong văn chương của ông có nhiều gương mặt, nhiều hoàn cảnh, nhiều cách cư xử khác nhau nhưng lúc nào cũng thật đáng yêu, đáng mến với những cảm xúc quá đỗi trong trẻo, ngây thơ. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” in trong tập “Nắng trong vườn” 1938 là một truyện ngắn đặc sắc tiêu biểu cho phong cách Thạch Lam.

Bức tranh cuộc sống con người nơi phố huyện trong Hai đứa trẻ - Thạch Lam
Bức tranh cuộc sống con người nơi phố huyện trong Hai đứa trẻ - Thạch Lam

     Khi đọc Hai đứa trẻ, ta thấy bao trùm lấy câu chuyện là cuộc sống xơ xác, tiêu điều của một phố huyện nghèo. Khi màn đêm buông xuống, con người nơi đây cũng chìm vào màn đêm u uất. Hình ảnh phiên chợ đã tàn gợi ra điều đó "Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến cho chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này". Cách miêu tả tỉm mỉ với lối quay cận cảnh nên từ hạt cát, hòn đá đến vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía...ddefu đi vào tầm quan sát, đánh thức những xúc động âm thầm, rồi chuyển cảm giác sang các mùi vị gợi nhớ, gợi liên tưởng "mùi cát bụi", "mùi đất", "mùi của quê hương"...Đó là những gì còn sót lại của một phiên chợ nghèo nàn, tiêu điều, xơ xác, dấu hiệu của một cuộc sống chẳng có gì là khấm khá.

     Trong bóng chiều nhập nhoạng đã bắt đầu xuất hiện những bóng người. "Một vài người bán hàng về muộn, đòn gánh đã xỏ sẵn vào quang nhưng còn đứng nói chuyện với nhau ít câu nữa. Mấy đứa trẻ con nhà nghèo cúi lom khom trên mặt đất để cố kiếm tìm chút sự sống cho riêng mình". Cuộc sống của chị em Liên không hề khá giả hơn so với những kiếp người nghèo đói nơi phố huyện. Cảnh nhà sa sút, bố Liên mất việc, cả nhà bỏ Hà Nội về quê, mẹ làm hàng sáo. Chị em Liên được mẹ giao cho trông nom một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu. Hàng bán chẳng ăn thua gì chỉ là để phục vụ cho nhu cầu ít ỏi của người dân phố huyện. Đó chỉ là những mặt hàng thứ yếu hằng ngày: mấy phong thuốc Lào, mấy bánh xà phòng, mất cút rượu...Sự sống của gia đình Liên cũng chẳng hơn gì mấy đứa trẻ và mẹ con chị Tí, một nhịp sống mòn mỏi, đơn điệu và sa sút. Những đứa trẻ đáng lẽ phải được sống vô tư nhưng ở đây chúng lại đang phải oằn mình xuống vì gánh nặng cơm áo gạo tiền như loài dơi cứ đêm xuống cứ đêm đến là bay ra khỏi tổ kiếm mồi. 

     Trên cái ga nhỏ ấy còn là cuộc đời của cụ Thi điên. Cụ hiện lên qua lời kẻ là một bà già điên và nghiện rượu- khách hàng quen thuộc của chị em Liên. Mặc dù vậy mỗi lần cụ Thi điên đến mua rượu, Liên vẫn còn nguyên vẹn cảm giác sợ hãi. Và có lẽ nhân vật đã để lại ấn tượng trong lòng người đọc bởi tiếng cười khanh khách và những bước chân đi lần vào bóng tối. Những tiếng cười vô hồn, những chuỗi âm thanh lạc điệu vang lên giữa cái tĩnh lặng, u buồn của phố huyện nghe thật dáng sợ. Những bước chân cảu người đàn bà khốn khổ chìm vào bóng tối cũng đủ sức gợi lên một số phận bi thảm, một cuộc đời mù mịt không tìm được lối thoát. Chỉ bằng những nét vẽ không cầu kì, không trau chuốt Thạch Lam đã kể cho người đọc nghe về một cảnh đời nghèo khó trong một kiếp sống mờ mịt, mỏi mòn, không có ánh sáng tương lai rọi tới. 

     Những số phận của những kiếp người nghèo khổ trong bóng tối cứ từ từ hiện ra trước mắt. Chị Tí ban ngày mò cua bắt ốc, tối đến mới dọn hàng nước chè tươi, thắp một ngọn đèn dầu leo lét. Đó là một gian hàng tạm bợ, sơ sài được đặt dưới gốc cây bàng, cạnh mốc gạch. Chị có thể mang trên đầu, trên tay tất cả cửa hàng của chị. Khách hàng của chị là mấy chú lính lệ, người nhà thầy Thừa, phu gạo phu xe,..đó là những người lao động khốn khổ, nghèo khổ như chính thân phận của mẹ con chị Tí vậy. Và dù chả kiếm được bao nhiêu nhưng ngày nào chị cũng dọn hàng từ chập tối đến tận đêm khuya. Bên cạnh đó còn là gánh phở của bác Siêu. Gánh phở đó tỏa mù thơm nhưng tiếc thay đó lại là món quá xa xỉ, nhiều tiền ở cái phố huyện nhỏ này mà Liên và An chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Trong bóng dêm đen tối ấy còn có gia đình bác Sẫm "ngồi trên manh chiếu rách, cái thau sắt để trước mặt, góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bật trong im lặng", thằng con bò ra đất nghịch nhặt những rác bẩn và tiếng hát ế ẩm "bác chưa hát vì chưa có khách nghe". Chị Tí dọn hàng từ chập tối nhưng giờ lại phe phẩy cành chuối khô đuổi ruồi bò trên mấy thức hàng và chỉ mong đợi những người nhà cụ Thừa. Đó là những cảnh tội nghiệp, đáng thương. Thạch Lam là một người đôn hậu và tinh tế. Ông đã từng khẳng định: ''Thiên chức của nhà văn cũng như những chức vụ cao quý khác là phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng và yêu thương hơn ''. Trong Hai đứa trẻ người đọc không chỉ nhìn thấy những kiếp người mù mịt, tối tăm mà còn là những vẻ đẹp khuất lấp, cái tình người không thể nào phai nhòa được. Bằng cái nhìn chân thực và đồng cảm sâu sắc với những mảnh đời bị lãng quên, Thạch Lam đã tài tình phát hiện ra những vẻ đẹp ngời sáng đằng sau cuộc đời bi kịch, lam lũ đó. Dù không trực tiếp bày tỏ nhưng hiện lên qua những trang văn là những phẩm chất tốt đẹp của người dân nghèo phố huyện. Đó là đức tính cần cù, chịu thương chịu khó - đức tính muôn đời của người Việt Nam ta.

     Cuộc sống lặp lại đơn điệu, nhàm chán nhưng họ vẫn suy nghĩ và mong đợi như mọi ngày ''chừng ấy người trong bóng tối đang mong đợi một cái gì tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ hằng ngày của họ''. Ước mơ càng mơ hồ, tình cảm của họ càng tội nghiệp vì không biết số phận mình sẽ ra sao. Nhìn cuộc sống quẩn quanh, bế tắc Liên không khỏi cảm thấy buồn chán. Vượt qua sự thiếu thốn, khó khăn về mặt vật chất của phố huyện nghèo trước Cách mạng, Thạch Lam còn phát hiện được tình thương mà mọi người dành cho nhau. Đó chính là sự thương cảm, xót xa của Liên dành cho những con người cùng cảnh ngộ. Cái nghèo đói không thể cướp đi những cảm xúc nhân văn,những tấm lòng lương thiện vốn có ở người dân lam lũ. Càng trong nghèo nàn, xơ xác họ càng yêu thương nhau hơn và trân trọng những tình cảm tốt đẹp của cuộc sống để hướng tới ánh sáng của tương lai ,hi vọng vào sự thay đổi cuộc đời. Dù mong manh, mơ hồ, Thạch Lam vẫn cho thấy những con người ở đây không muốn sự tồn tại của mình trong cuộc đời trở thành vô nghĩa bởi sự quẩn quanh, mòn mỏi.

          Qua đó, ta thấy được cảnh vật cũng như con người đều gợi lên sự tàn tạ nghèo nàn. Con người chỉ như chiếc bóng trong ánh chiều tàn và dần bị màn đêm bao phủ. Những lời thoại của họ chẳng thể làm cho không khí nơi phố huyện sống động lên mà chỉ khắc sâu vào cái nhịp sống buồn tẻ, điêu tàn. Những phát hiện của Thạch Lam không hề mới mẻ nhưng rất cần thiết để không đánh mất đi những điều tốt đẹp trong thứ bóng tối mù mịt của hiện tại. Đó chính là những giá trị nhân văn cao cả trong ngòi bút của Thạch Lam để người đọc không mất niềm tin vào những con người nghèo đói chân chính.