Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

Trung bình: 4,16
Đánh giá: 19
Bạn đánh giá: Chưa

          Ai đó đã từng nhận xét "suy cho cùng thì ý nghĩa thực sự của văn học là góp phần nhân đạo hoá con người. Tác phẩm văn học là sản phẩm tinh thần của con người, do con người làm ra để đáp ứng nhu cầu của nó. Vì vậy tác phẩm văn học chỉ thực sự có giá trị khi nó lên tiếng vì con người, ca ngợi và bảo vệ con người. Với ý nghĩa đó một tác phẩm lớn trước hết phải là một tác phẩm có giá trị nhân đạo sâu sắc". Vợ chồng A Phủ là một trong những thành công lớn nhất của nhà văn Tô Hoài - là truyện ngắn rút ra từ tập "Truyện Tây Bắc" viết vào năm 1953. Vợ chồng A Phủ là tác phẩm đã lên tiếng vì quyền con người, ca ngợi và bảo vệ con người và là một tác phẩm có giá trị nhân đạo sâu sắc.


Phần thân bài Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

        Một tác phẩm có giá trị nhân đạo trước hết phải là một tác phẩm tập trung tố cáo, vạch trần tội ác của những thế lực cậy chức cậy quyền mà đang chà đạp lên quyền sống của con người. Đồng thời tác phẩm đó cũng phải là một tác phẩm nhằm tập trung ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người. Song nhà văn trong tác phẩm cũng phải cảm thông và thấu hiểu được tâm tư tình cảm cũng như những nguyện vọng và mơ ước của con người. Từ đó, giúp họ đấu tranh để giành được ước nguyện của mình. Tất cả điều đó có nghĩa là tác phẩm chỉ có  giá trị nhân đạo khi giúp con người sống cho ra con người ."Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người. Cái cốt lõi của nghệ thuật là tính nhân đạo “(Nguyên Ngọc). 

Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

    Cảm hứng chủ đạo được thể hiện chủ yếu ở phần đầu, qua cuộc đời và số phận của Mị và A Phủ trong nhà thống lý Pá Tra. Đọc phần này, chúng ta xót xa cho Mị, cô gái Mèo đẹp người đẹp nết, giàu lòng yêu đời. Nhưng vì bố mẹ nghèo mà phải biến thành “con dâu gạt nợ” cho nhà thống lý Pá Tra. Cuộc sống ở đây đã biến một cô gái hồn nhiên, tràn đầy sức sống và giàu mơ ước trở thành một con người khắc khổ, sống lầm lũi như "con rùa nuôi trong xó cửa", thậm chí nhiều lúc Mị cảm thấy mình không bằng một con vật "bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi... con trâu con ngựa làm còn có lúc, đêm nó còn đc đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái trong cái nhà này thì vùi đầu vào làm việc cả ngày cả đêm"...Mị không chỉ bị bố con A Sử bóc lột về sức lao động mà còn bị chúng hủy hoại cả cuộc sống tinh thần,bị dập tắt mọi suy nghĩ cũng như nguyện vọng của cô gái trẻ. Đã mấy tháng trời đêm nào Mị cũng khóc. Đã có lúc cô muốn tìm đến cái chết nhưng vì thương cha nên cô không thể chết, đành quay lại cuộc đời nô lệ để trả nợ cho cha.             

     Không chỉ có nhân vât Mị bị bóc lột mà bên cạnh đó có A Phủ. A Phủ vốn là một thanh niên tràn đầy sức sống, khỏe mạnh, gan dạ, lao động giỏi vậy mà chỉ vì một lần đánh nhau với A Sử - con trai thống lí Pá Tra. A Phủ trở thành kẻ đi ở đợ cho nhà thống lí. Cũng như Mị, những ngày sống ở nhà thống lí A Phủ chịu biết bao sự đầy đọa cả về thể xác lẫn tinh thần. Để rồi trong gian khổ hai con người này đã gặp nhau ở sự đồng cảm sâu sắc, ở tình thương con người có cùng cảnh ngộ.

     Giá trị nhân đạo của tác phẩm được thể hiện chủ yếu qua cái nhìn đầy yêu thương của nhà văn khi viết về đồng bào các dân tộc miền núi. Những chàng trai cô gái Mèo là những người rất đẹp. Tuy nghèo khổ nhưng họ vẫn dũng cảm, yêu đời, yêu lao động, khỏe mạnh. Có thể dễ thấy điều này qua những từ ngữ đầy ưu ái Tô Hoài dành cho Mị và A Phủ  “ Mị thổi sáo giỏi”, “ Có biết bao người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị hết núi này sang núi khác”, “ Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”, còn A Phủ là chàng trai được nhiều người con gái ao ước “ A Phủ khỏe , chạy nhanh như ngựa…”, “ biết đúc lưỡi cày , biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo”. Nhà văn còn tìm thấy bên trong họ những phẩm chất tốt đẹp . Mị thà phải lao động vất vả hơn làm con dâu nhà giàu, A Phủ dám đánh lại con nhà giàu để bênh vực cho lẽ phải, không hề khóc lóc van xin khi bị cha con thống lí đánh đập tàn nhẫn . A Phủ vẫn là con người thực sự. Bên ngoài cái xác không hồn khô cứng của Mị, Tô Hoài nhận thấy tiềm tàng một sự phản kháng, một sức mạnh kì diệu, một ngọn lửa tự do vẫn còn âm ỉ. Và hơn thế nữa sự yêu thương cưu mang lẫn nhau giữa những người cùng khổ. Mị đã cứu A Phủ và cả hai đã cùng chạy trốn , cùng nương tựa nhau mà sống: “A Phủ nói : “Đi với tôi”. “Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống núi”. Sức mạnh ở những con người ấy, nếu biết giác ngộ, biết tổ chức lại thì nó sẽ tạo nên sức mạnh diệu kì làm kẻ thù khiếp sợ. Hiểu được điều này, Tô Hoài đã đặt trọn niềm tin vào khả năng cách mạng của Mị và A Phủ.

     Bên cạnh hình ảnh vợ chồng A Phủ thật đẹp chan chứa sự thương yêu cảm thông và tin tưởng, Tô Hoài bộc lộ thái độ căm ghét đối với chế độ thực dân phong kiến qua hình ảnh cha con ông thống lí Pá Tra. Lên án cái xấu để bảo vệ cái đẹp cũng là nhân đạo. Tô Hoài đã giúp người đọc hình dung được sự tàn ác, dã man, bản chất bóc lột của bọn thực dân phong kiến khi miêu tả xác thực và sinh động cuộc sống của cha con thống lí.

           Giá trị nhân đạo của tác phẩm, sâu sắc nhất là sự trân trọng khát vọng tự do, hạnh phúc và phẩm chất tốt đẹp của người nông dân cùng khổ. Ngòi bút Tô Hoài từng bước rọi sâu khám phá vào miền thân u của thế giới nội tâm nhân vật, ông hiểu tâm tư, nỗi niềm và khát vọng của họ. Không chỉ trân trọng khát vọng tự do của Mị và A Phủ mà còn đồng tình với tinh thần phản kháng, đấu tranh của họ; đồng thời vạch ra cho họ con đường giải phóng.