Suy nghĩ về quan niệm "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn" trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

Trung bình: 4,38
Đánh giá: 45
Bạn đánh giá: Chưa

          Giữa cuộc đời tấp nập, xô bồ và vội vã ta tự hỏi rằng phải sống sao cho đúng? Làm thế nào để có một cuộc sống tốt đẹp? Như ta biết, cuộc sống luôn tồn tại hai gam màu tối-sáng và đầy rẫy những nghịch lí. Con người cũng thế, sẽ có những mặt hoàn hiện và tồn tại những khuyết điểm. Vậy thì nên làm gì để bản thân cảm thấy thoải mái và yêu đời hơn? Hãy sống là chính mình, trung thực và giàu lòng nhân ái. Luôn nổ lực, đấu tranh không ngừng để vươn lên hoàn thiện nhân cách của mình. Trong vỡ kịch Hòn Trương Ba, da hàng thịt Lưu Quang Vũ đã để nhân vật Trương Ba bày tỏ quan niệm sống cua mình "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn".


Phần thân bài Suy nghĩ về quan niệm Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

          Lưu Quang Vũ là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch, là một nhà soạn nhạc kịch tài năng nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, chỉ trong vòng bảy đến 8 năm ông đã viết hơn 50 vỡ kịch và hầu hết được công chiếu. Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vỡ kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ, viết năm 1981 và công chiếu năm 1984, từ một cốt truyện dân gian. Nhà văn đã xây dựng một vỡ kịch nói hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí nhân sinh sâu sắc. Đoạn trích được rút ra từ cảnh VII, đoạn kết của vỡ kịch. 

     "Bên trong" chính là thế giới nội tâm của mỗi con người, đó là suy nghĩ, là nhận thức, cũng có thể là những tư tưởng, khát vọng. Nếu thế giới bên trong có được sự toàn vẹn, con người sẽ có được những phẩm chất tốt đẹp, quý giá. Đây là phần người ta không thể nhìn thấy được bằng mắt mà chỉ có thể cảm nhận qua tiếp xúc, tìm hiểu và gắn bó. "Bên ngoài" là tất cả những cái có thể nhìn thấy được, đó là cử chỉ, hành động, cách ứng xử. Quan hệ giữa bên trong và bên ngoài thường là quan hệ thống nhất – cái bên ngoài là biểu hiện cụ thể của cái bên trong và ngược lại.

Suy nghĩ về quan niệm "Không thể  bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn" trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ
Suy nghĩ về quan niệm "Không thể  bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được.
Tôi muốn được là tôi toàn vẹn" trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

     Sống "bên trong một đằng bên ngoài một nẻo" là không có sự hài hòa giữa bên trong và bên ngoài, không sống thực với chính mình nghĩa là hành động, lời nói không thống nhất với suy nghĩ, tình cảm. Con người bị chi phối bởi những bản năng, ham muốn của thể xác, chạy theo những thứ tầm thường về vật chất, chỉ biết hưởng thụ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Sự không thống nhất này khiến cho con người dễ rơi vào trạng thái mất thăng bằng, không sống thật với chính mình, gây đau khổ cho gia đình, những người xung quanh và tự làm tổn thương chính mình. Giống như Trương Ba, phải sống nhờ thân xác của người khác lâu ngày nên tâm hồn cũng bị tha hóa, vấy bẩn, chạy theo những thứ dục vọng. Trương Ba vốn là một người làm vườn chăm chỉ, cần cù, tinh tế đã nâng niu chăm sóc vườn cây. Ông là một con người mẫu mực, sống có đạo đức và giàu tình nghĩa với vợ con, với cháu nội, với láng giềng xung quanh. Chính vì những phẩm chất quý giá đó đã khiến Trương Ba được mọi người nể trọng, quý mến. Còn cái xác hàng thịt là một con người thô bạo, tham lam, chỉ biết hưởng thụ vật chất.  Vì một sự nhầm lẫn nên cả hai con người này bị đẩy vào một tình huống éo le: hồn của Trương Ba phải sống nhờ trong xác anh hàng thịt. Hồn Trương Ba vẫn có những nhu cầu về tinh thần song lại không thể điều khiển xác anh hàng thịt, tuy chỉ là "xác thịt âm u đui mù" song vẫn đòi hỏi được thỏa mãn nhu cầu về vật chất. Cả nhu cầu về vật chất và nhu cầu về tinh thần đều tự nhiên, chính đáng song trong trường hợp này lại trở nên mâu thuẫn, không thể tồn tại.

     "Tôi muốn được là tôi toàn vẹn" là một người có suy nghĩ và hành động đồng nhất. Một người toàn vẹn là một người sống thật với chính bản thân mình, chấp nhận sự thật về bản thân mình. Sống không làm hại đến ai, sống không lừa lọc, không dối trá, giả tạo. Ý nghĩa câu nói của Trương Ba thể hiện một quan niệm sống đúng đắn, cần phấn đấu để đạt sự hài hòa, cân bằng giữa nhận thức, hành vi, giữa cái bên trong với cái bên ngoài. 

     Mỗi người từ khi được sinh ra đều được tạo hóa ban cho thể xác và tâm hồn riêng. Thể xác và tâm hồn là hai phần tuy khác nhau nhưng đồng nhất với nhau, cùng nhau tồn tại hình thành nên con người. Vì thế hãy cứ sống là chính mình, đừng bao giờ lừa dối bản thân hay người khác, cũng đừng sống chia đôi mình ra để rồi lời nói, hành động không hòa hợp. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Hồn Trương Ba đã nhận ra bi kịch của cuộc đời mình khi phải sống nhờ trong thân xác phàm tục của anh hàng thịt. Nhận ra bi kịch đó, chứng tỏ hồn Trương Ba không thể nào chấp nhận được sự thoả hiệp giữa hai cuộc sống này. Đồng thời, chứng tỏ bản lĩnh của nhân vật khi chấp nhận cái chết thực sự còn hơn là sống trong sự giày vò của lương tâm và sự ghẻ lạnh của người thân vì sự tha hoá của chính mình.

     Chúng ta cần làm gì để trở thành một con người toàn vẹn? Tự mỗi người cần trang bị cho mình nhận thức, hiểu biết để có thể phân biệt đâu là đúng đâu là sai, rèn luyện bản lĩnh để có thể tự kiểm soát mọi hành vi của mình để không không sa đà vào lối sống dung tục. Song cũng cần quan tâm đến bản thân mình, quan tâm đến những nguyện vọng chính đáng dù là bình thường nhất để được sống một cách thoải mái, tự nhiên và có được hạnh phúc. 

     Câu nói của Lưu Quang Vũ trong vỡ kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt còn góp phần phê phán những biểu hiện của lối sống tiêu cực hiện nay. Con người cứ mãi miết chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ mà không muốn làm việc. Thậm chí chà đạp lên nhau, bày đủ mưu đủ kế hại người khác chỉ để có được thứ mình muốn. Bên cạnh đó còn lấy cớ tâm hồn là quý giá nên chỉ trau chuốt cho tâm hồn mà không quan tâm gì đến bên ngoài. Biết đời sống tâm hồn là quý giá nhưng không phấn đấu để bên ngoài cân đối với bên trong thì không thể trở thành con người toàn vẹn. Ngoài ra, tác giả còn phê phán lối sống giả tạo, không phải là chính mình, không dám là chính mình. Đó cũng là nguy cơ dẫn con người đến sự tha hóa do danh lợi.

          Lưu Quang Vũ đã thể hiện được cái nhìn khá sâu sắc trong đời sống tâm hồn của con người trước hiện tượng người ta sống vội, sống gấp, sống mà quên mất cả bản thân mình...Cuộc sống đầy rẫy những hố sâu của sự cám dỗ, cũng có lúc con người ta mắc phải những sai lầm, điều quan trọng là phải biết đứng lên sau vấp ngã chứ đừng bao giờ trượt dài trên những sai lầm để rồi bản thân bị tha hóa, bị cuộc đời quật ngã. Luôn phải biết đối diện với khó khăn, với sự thật để vươn lên hoàn thiện mình hơn. Luôn trung thực, thẳng thắn, không nói một đàng làm một nẻo, không lừa dối người khác và đặc biệt đừng bao giờ lừa dối chính mình. Vượt lên bản thân để chiến thắng chính mình...