Tâm trạng và suy nghĩ của người lữ khách trên bãi cát trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát- Cao Bá Quát

Trung bình: 5
Đánh giá: 1
Bạn đánh giá: Chưa

          Văn chương là nơi người nghệ sĩ gửi gắm những tâm trạng, nỗi niềm của mình. Đó cũng là nơi mà các nhà văn, nhà thơ thể hiện cái chí của bậc nam tử. Cao Bá Quát cũng là một trong số những nhà thơ ấy. Với bài thơ "Sa hành đoản ca" (Bài ca ngắn đi trên bãi cát), ông đã bộc lộ nỗi niềm trăn trở, sự chán ghét đối với chế độ chính trị đương thời.


Phần thân bài Tâm trạng và suy nghĩ của người lữ khách trên bãi cát trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát- Cao Bá Quát

          Cao Bá Quát tên tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, Biệt hiệu là Mẫn Hiên. Ông là một danh sĩ rất giàu lòng thương dân và lo đời, ông ghét cường quyền và sự thối nát của bọn vua quan triều Nguyễn. Ông còn là là lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội), là một nhà thơ nổi danh giữa thế kỉ XIX trong văn học Việt Nam. Sự nghiệp thơ văn của ông đã để lại trên một nghìn bài thơ chữ Hán và hàng chục bài thơ chữ Nôm. Cụ thể là còn 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi. Ông có một số bài hát nói, thơ Đường Luật và bài phú “Tài tư đa cùng”. Trong thơ văn của ông, ta cảm nhận được sự thấm đượm của tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc, man mác là tình cảm gia đình, tình bằng hữu và tình yêu quê hương. Ngôn ngữ trong thơ ông rất hàm súc, giọng thơ vừa thiết tha vừa trầm hùng. Bài Sa hành đoản ca sáng tác vào thời gian đi thi Hội, trong khoảng những năm 1832 đến 1841, Sa hành đoản ca vừa mang dấu ấn quang cảnh thực mà Cao Bá Quát chứng kiến trên đường bộ hành vào Nam lại vừa hiện diện như một biểu tượng nghệ thuật về con đường đời qua sự cảm nhận của một trí thức vốn lận đận với cử nghiệp.

       Từ hình ảnh về con người nhỏ bé, mong manh giữa biển cát - cuộc đời, bài thơ củaCao Bá Quát   lại mở tiếp ra một cấp độ nữa của cảm xúc. Cao Bá Quát lên tiếng chối bỏ dạng người an phận, để rồi chuyển tiếp sang một góc nhìn hiện thực -  hiện thực đập vào mắt và chấn động tâm can về đời, về người:

''Xưa nay phường danh lợi,
Tất tả trên đường đời.
Đầu gió hơi men thơm quán rượu,
Người say vô số, tỉnh bao người.''

     Cũng chính vì ham, vì mê mãi trên con đường danh lợi, mà bọn người thuộc số đông ấy dễ bị dẫn dụ, bị cám dỗ, bị mê hoặc bao nhiêu thứ '' mĩ tửu '' dậy hương đưa từ đời, từ tửu điểm - nhân sinh. Những kẻ ham danh lợi chỉ mong có được chút công danh, mong được hưởng vinh hoa phú quý, rượu ngon, thịt béo mà ít suy nghĩ về ý nghĩa của con đường ấy:

Đầu gió hơi men thơm quán rượu,
Người say vô số, tỉnh bao người.

     Sắc sảo trong cách nhìn và tỉnh táo trong phán xét, Cao Bá Quát đã thực sự dựng nên một bức tranh cuộc đời, cũng là bức tranh nhân sinh: phần đông con người - tầm thường mang bản chất tham lam, vị kỉ và bon chen.Thế nên, tự cổ chí kim ( cổ lai) , bọn người ấy mới khốn khổ, mới vội vã, mới xô bồ trên con đường danh lợi. Cao Bá Quát đã từng nhiều lần viết về việc học hành khoa cử như là con đường kiếm tìm danh lợi:

  " Dư sinh phù danh ngộ
    Thập nên trệ văn mặc
    (Đời ta lầm lỡ vì cái danh hờ
     Hàng chục năm chìm đắm trong bút mực)"

Hay:

    Vị luyến mình thi học tố quan
    Nhất danh lạo đào vị năng nhàn
    ( Một chút danh mà lận đận mãi chưa thẻ nhàn được)

     Những câu thơ của thi sĩ họ Cao như chiếu một góc nhìn trong tâm thể vừa thầm lặng cô đơn, lại cũng vừa thầm lặng kiêu hãnh; nỗi cô đơn và niềm kiêu hãnh của một con người không muốn và không thể tan hòa trong đám chúng sinh bon chen cầu danh lợi. Mượn những hình ảnh hiện hữu đơn phương từ những danh - lợi - nhân, Cao Bá Quát đã tạo nên thể tương phản, đối lập thầm lặng mà quyết liệt giữa cái tầm thường với cái thanh cao; giữa cái ồn ả sục sôi từ thiên hạ với cái lặng lẽ, cao ngạo từ con người - bản thể của mình. Khái niệm danh lợi ở câu thơ trên gắn với việc đi học, thi, ra làm quan.

     Tứ thơ của Sa hành đoản ca trong những câu thơ cuối đang thực sự vận động với nội lực đầy day dứt, trăn trở như sắp bùng phát cơn bão tố của lòng người:

Trường sa trường sa nại cừ hà?
( Bãi cát dài, bãi cát dài biết tính sao đây?)

     Câu thơ trên là tâm trạng của tác giả trước con đường cùng. Một câu thơ, một câu hỏi - tự nó ngân vang lời bi thiết trước hiện tại như bế tắc, bần cùng khi con người đi đường mà chưa tìm ra đường. Chỉ thấy trước mắt đường thật nhiều ám ảnh, ghê sợ mà ''bước đường bằng phẳng thì mờ mịt''. Sa hành đoản ca của Cao Bá Quát, chợt cất lên tiếng thơ, tiếng hát khởi phát từ lòng người, thật lạ '' Hãy nghe ta hát khúc đường cùng'''. Bài thơ khép lại bằng câu hỏi với nhiều băn khoăn, u uất. Nhưng, cũng chính từ câu chữ ấy, lại đánh thức sự tung phá và giải thoát cho con người và cảnh ngộ: '' Anh còn đứng làm chi trên bãi cát''. trong Sa hành đoản ca đây là hình ảnh tả thực của con đường Cao Bá Quát đã đi trên dãi đất miền Trung. Con đường bị trấn giữ bởi các dãy núi muôn trùng muôn đợt, phía Bắc, phía Nam. Cái hay và ấn tượng trong những con chữ của Cao Bá Quát là ở chỗ: tác giả dùng chữ ''ca''(hát) chứ không dùng chữ ''thuyết''(nói). Nỗi bi phẫn, u uất trong lòng bật ra thành những lời ca dậy lửa, dậy sóng từ con tim đang ngập tràn nỗi đau và niềm kiêu hãnh.

     Đây còn là con đường bế tắc, không lốii thoát của trí thức ''Tài cao phận thấp chí khí uất'' (Tản Đà). Con đường ấy không thể giúp Cao Bá Quát đạt lí tưởng cao đẹp của mình. Nếu đi tiếp rất có thể ông chỉ là một kẻ trong phường danh lợi mà ông từng khinh miệt nhưng nếu dừng lại thì ông cũng không biết đi về đâu. Không thể đi trên bãi cát như vậy nữa, mà phải chọn con đường khác, lối đi khác. Hãy dũng cảm vứt bỏ con đường công danh vô nghĩa, tự tìm cho mình một con đường khác để thực hiện lí tưởng bản thân.

          Tác giả đã dùng thể ca hành không gò bó, giới hạn về số câu, niêm luật, vần điệu cùng việc sử dụng các hình ảnh tượng trưng để thể hiện tâm trạng của bản thân. Qua đó, bạn đọc thấy được nỗi buồn phiền, bế tắc, chán ngán chế độ chính trị đương thời và sự coi thường "phường danh lợi" của Cao Bá Quát. Đồng thời bài thơ cũng cho thấy hoài bão, lí tưởng của ông.