Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Trung bình: 4,43
Đánh giá: 72
Bạn đánh giá: Chưa

Mở bài Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

    Một tác phẩm mang ý nghĩa sâu sắc là tác phẩm góp phần nhân đạo hóa con người. Tác phẩm văn học sẽ trở nên nhạt nhẽo biết mấy khi nó không lên tiếng, bảo vệ và ca ngợi con người. Và nó sẽ trở nên có giá trị khi đấu tranh chống lại những cái xấu, cái ác, cái tiêu cực để cuộc sống con người ngày càng tốt đẹp và hạnh phúc. "Chiếc thuyền ngoài xa" là một tác phẩm tiêu biểu cho hướng tiếp cận từ góc độ thế sự đời tư của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai, song nó còn mang một giá trị nhân đạo sâu sắc.  


Thân bài Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

    Nguyễn Minh Châu thuộc trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học hiện nay (Nguyên Ngọc). Sau 1975, khi văn chương chuyển hướng khám phá trở về với đời thường, ông là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kì đổi mới đã đi sâu khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Tâm điểm những khám phá nghệ thuật của nhà văn là con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và sự hoàn thiện nhân cách. Ngay sau 1975, Nguyễn Minh Châu đã sớm nhận ra những hạn chế của nền văn học thời chiến tranh và thầm lặng nhưng dũng cảm, kiên định tìm kiếm con đường đổi mới sáng tác của mình. Truyện Chiếc thuyền ngoài xa viết vào tháng 8- 1983 tiêu biểu cho cảm hứng thế sự gắn với vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh của Nguyễn Minh Châu. Lúc đầu in trong tập Bến quê sau đó được đưa vào tập truyện ngắn cùng tên năm 1987.

     Khi nói đến giá trị nhân đạo là nói đến thái độ cảm thông của nhà văn với những mảnh đời bất hạnh, đau khổ trong cuộc sống. Những số phận con người nghèo đói, bất hạnh, bị đối xử bất công. Đó cũng có thể là thái độ ca ngợi, khẳng định của nhà văn về những phẩm chất tốt đẹp của người lao động. Đồng thời, nhà văn còn thể hiện sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn và niềm tin khả năng vươn dậy của con người dù trong hoàn cảnh nào. Qua đó, nhà văn thể hiện những khao khát về một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn cho con người.

     Gía trị nhân đạo được thể hiện trong tác phẩm trước hết là thái độ cảm thông của nhà văn đối với những con người lao động miền biển đầy nắng gió. Ông xót xa trước cảnh nghèo khổ, đông con của những gia đình hàng chài nơi đây "nhà nào cũng trên dưới chục đứa” phải sống chen chúc nhau trong những chiếc thuyền lưới vó chật hẹp. Những ngày sóng yên biển lặng thì kiếm được chút ít ăn qua ngày, vào những vụ bắc, biển động hằng tháng thuyền không ra khơi được “cả nhà vợ chồng con cái phải ăn toàn cây xương rồng luộc chấm muối”. Ông cảm thông cho thân phận người dàn bà hàng chài thường xuyên bị chồng đánh đập, hành hạ thể xác. Chính vì thế tác giả đã tập trung miêu tả tấm thân tiều tụy của chị “khuôn mặt mệt mỏi”, “tấm lưng áo bạc thếch và rách rưới”, “cặp mắt nhìn xuống chân”, “tay buông thõng xuống”, ra vẻ người nhẫn nhục, cam chịu. Và hơn thế, tác giả đã bênh vực chị không cho người chồng tiếp tục đánh đập chị nữa. Đã ít nhất hai lần trong tác phẩm Nguyễn Minh Châu để Phùng giúp đỡ chị, khi chị bị chồng đánh ở bãi biển anh đã vứt máy quay xuống đất để chạy đến can ngăn và khi ở tòa án huyện anh khuyên chị nên bỏ người chồng vũ phu tàn bạo của mình. Ta có thể hiểu được rằng nghệ sĩ Phùng cũng chính là hóa thân của nhà văn trong tác phẩm, là nhân vật mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gửi gắm nhiều suy nghĩ và hành động của mình. Tuy vậy, nhà văn cũng cảm thông với tình cảnh vũ phu của người chồng, cũng chính vì cuộc sống quá nghèo khổ, phải làm lụng để nuôi đàn con biến anh từ "anh con trai cục tính nhưng hiền lành" trở thành gười thường xuyên đánh vợ "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng". Có thể thấy được rằng người đàn ông ấy chính là nạn nhân của cuộc sống nghèo đói, lam lũ. Lão đánh vợ như để trút hết mọi giận dữ, uất ức trong lòng và cũng để giải tỏa những nỗi khổ tâm của riêng mình. 

Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

     Biểu hiện sâu sắc của giá trị nhân đạo trong chiếc thuyền ngoài xa là nhà văn luôn đứng về cái đẹp, cái thiện. Đi tìm, phát hiện, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người. Trước năm 1975, trong bối cảnh lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Nguyễn Minh Châu xây dựng những vẻ đẹp lí tưởng, yêu nước, anh hùng của con người Việt Nam thời chống Mĩ. Họ là Lãm, là Nguyệt trong tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng”. Đó là những con người thật cao đẹp, họ biết hi sinh hạnh phúc cá nhân của mình cho tình yêu Tổ quốc, biết gác lại những tình cảm của cá nhân cho cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Hi sinh tuổi thanh xuân, tuổi đời đẹp nhất của mình để cho đất nước ngày mai độc lập. Xung phong ra trận khi tuổi đời còn đôi mươi, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Sau năm 1975, cuộc sống hiện ra nhiều chiều, nhiều mặt đối lập, Nguyễn Minh Châu đã đi sâu vào hiện thực để nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa dạng, nhiều chiều. Ông phát hiện những vẻ đẹp bị khuất lấp nơi cái bụi bặm đời thường. Hình ảnh người đàn bà xấu xí nhẫn nhục vẫn lóe lên vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, một vẻ đẹp đầy nữ tính, vị tha của người phụ nữ ở một miền biển còn đói nghèo, lạc hậu. Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, nhà văn đã thể hiện một cá nhìn rất nhân dạo về con người. Ông phát hiện nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn đằng sau người đàn bà xấu xí, cam chịu đó, bằng cái nhìn đa chiều ông đã nhìn thấu được sự hi sinh cao cả của người mẹ dành cho con cái, của một người vợ đối với chồng của mình. Song, tác giả còn giúp ta nhận ra lí do chị không thể bỏ chồng thật có lí, điều đó chứng tỏ chị không phải là mọt con người phụ nữ nông nổi, thiếu nghĩ suy, nhu nhược, hèn nhát, mà là người phụ nữ thật sâu sắc và từng trải, biết suy nghĩ, cân nhắc cho từng hành động của mình.  “Đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có một người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sấp con mà nhà nào cũng trên dưới chục đứa”. Và Nguyễn Minh Châu cũng cho ta cảm nhận được những khát vọng hạnh phúc trong lòng người đàn bà hàng chài nghèo khổ này. Có thể nói rằng người đàn bà hàng chài là biểu tượng cho tình mẫu tử, biểu tượng cho khát vọng hạnh phúc gia đình. Cho dù sống trong gia đình có nhiều nỗi tủi nhục nhưng chị vẫn nâng niu từng chút hạnh phúc nhỏ nhoi. 

     Gía trị nhân đạo trong truyện ngắn này còn thể hiện ngay trong quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu "Nghệ thuật chân chính phải gắn với cuộc đời và vì cuộc đời, vì con người". Cách kết thúc tác phẩm đã gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ. Là tấm ảnh đen trắng nhưng mỗi lần nhìn vào Phùng đều thấy “hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai” và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh”. Vậy thì, đây đâu chỉ là ảnh nghệ thuật mà chính là hiện thực cuộc đời. Nếu chỉ đơn thuần là ảnh nghệ thuật trắng đen thì sao lại có được “cái màu hồng hồng của ánh sương mai” do ánh mặt trời của ánh bình minh buổi sáng phản chiếu? Nếu chỉ là ảnh thì người đàn bà hàng chài ấy làm sao “bước ra khỏi tấm ảnh” để “bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm lên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông". Mỗi một nhà văn hãy đi vào cuộc sống, hãy sống gắn bó với con người và nhìn nhận họ một cách đa dạng, nhiều chiều để phát hiện ra những hạt ngọc còn ẩn sâu trong tâm hồn họ, dù rằng ngoại hình họ xấu xí và họ đang sống trong một hoàn cảnh ngang trái, khổ đau.         

          Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu  có một giá trị nhân đạo sâu sắc. Giá trị nhân đạo ấy thể hiện trên nhiều phương diện. Đó là cái nhìn yêu thương, cảm thông của nhà văn về số phận bất hạnh của con người. Đó là việc phát hiện và khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của những con người lao động nghèo khổ. Đó còn là thái độ lên án nạn bạo hành trong gia đình để mọi người cùng đấu tranh chống lại hiện tượng tiêu cực này, cùng phấn đấu hướng tới việc xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.