Bức tranh thiên nhiên phố huyện nghèo lúc chiều tối trong Hai đứa trẻ- Thạch Lam
Thạch Lam được biết đến là nhà văn lãng mạn tiêu biểu của Tự Lực Văn Đoàn với phong cách sáng tác riêng biệt và độc đáo. Truyện ngắn Hai đứa trẻ của tác giả đã rất thành công khi tái hiện một cách chân thực và cảm động về cuộc sống cùng cực của những kiếp người sống cực khổ tại một phố huyện tối tăm và bình lặng. Khi đọc tác phẩm, bên cạnh việc cảm nhận về đời sống đầy nhọc nhằn của con người nơi đây, ắt hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng không khỏi ấn tượng với bức tranh thiên nhiên lúc chiều tối. Bằng ngòi bút tài hoa của nhà văn mình, tác giả đã tái hiện lại bức tranh lụi tàn của phố huyện nghèo.
Phần thân bài phân tích Bức tranh thiên nhiên phố huyện nghèo lúc chiều tối trong Hai đứa trẻ - Thạch Lam
Thạch Lam có tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh nhưng người đời còn biết đến ông bởi cái tên Nguyễn Tường Vân và bút danh Việt Sinh. Ông vốn xuất thân trong một gia đình công chức gốc quan lại ở Hà Nội. Ngày còn bé, ông có khoảng thời gian sống ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Sau đó, Thạch Lam quay lại Hà Nội để làm báo và viết văn. Ở vai trò là một nhà văn, Thạch Lam được đánh giá là một hiện tượng đặc biệt có sở trường về truyện ngắn trong nền văn học lãng mạn của ta ở giai đoạn 1930 – 1945. Qua các tác phẩm của mình, Thạch Lam đã bộc lộ là một con người hồn hậu và có những cách nhìn rất tiến bộ về văn chương. Trong sáng tác truyện ngắn, Thạch Lam thường xây dựng những câu chuyện với đặc trưng là không có cốt truyện. Tuy nhiên, tác phẩm lại có chiều sâu bởi tập trung khai thác đời sống nội tâm của nhân vật. Qua đó, người đọc có thể cảm nhận được trên trang viết của nhà văn những dòng chất chứa về tình cảm yêu thương tha thiết và chân thành mà nhà văn dành cho cảnh vật và con người.
Câu chuyện được mở đầu bằng những câu văn êm dịu, với những âm thanh và hình ảnh báo hiệu "một ngày tàn". Truyện khởi đầu bằng câu văn miêu tả tiếng trống thu trên chòi canh của huyện nhỏ với những âm rền thong thả, chậm rãi "từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều".Tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng. Trong gian hàng của Liên, muỗi đã bắt đầu vo ve. Nét đặc sắc ấy gợi ý thức về thời gian giúp tác giả dẫn người đọc theo cảnh quay chi tiết hình ảnh một buổi chiều tàn với những nét rực rỡ: "Phương tây đỏ rực như lữa cháy và những đám mây ánh hồng như hong than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời". Trong cảm nhận của Liên, những âm thanh ấy vang ra từng tiếng một, bút pháp lấy động tả tĩnh cho thấy không gian xung quanh rất yên ả, tĩnh lặng và trong một sắc thái nào đó, nó gợi lên liên tưởng tới sự ngưng động buồn tẻ của thời gian. Đó đều là những âm thanh giản dị quen thuộc của vùng đồng quê với tiết tấu vừa da diết vừa đượm buồn, cùng với thủ pháp lấy động tả tĩnh tác giả đã mở ra một không gian vô cùng yên bình thanh tĩnh. Dù là phố huyện nhưng cách đo thời gian nơi đây có vẻ vẫn theo lối cổ xưa, điểm bước đi của thời gian và sinh hoạt của một vùng bằng những âm thanh quen thuộc. Những âm thanh ấy như có linh hồn, có tâm trạng, một linh hồn ảm đạm, một tâm trang buồn bã. Đó không chỉ là nổi buồn trong cảnh vật mà còn là sự giao cảm tha thiết, u hoài của nổi lòng người với thiên nhiên.
Thạch Lam đã miêu tả bức tranh thiên nhiên với những nét đặc trưng nhất của một không gian phố huyện, vừa làm nền cho hoạt động của con người, vừa gián tiếp thể hiện tâm trạng nhân vật, tạo ra chất trữ tình rất đặc biệt cho truyện ngắn. Đó là bức tranh thiên nhiên êm ả, đượm buồn của phố huyện nghèo trong khoảnh khắc ngày tàn. Cả mặt trời lúc sắp xuống núi lẫn những đám mây từ phía chân trời đều như đang bốc cháy lần cuối trước khi giã từ ban ngày, nhường chỗ cho cảnh tượng dãy tre làng đen lại. Ngòi bút của tác giả thực sự linh hoạt và sống động khi miêu tả sự vận động của thời gian qua những diễn biến của cảnh vật.
Rồi màn đêm dần buông xuống, trùm lên khắp không gian. Lúc đầu là cảnh ''nhá nhem tối'' khi bóng tối và ánh sáng đan xen qua hình ảnh ''những hòn đá nhỏ một bên sáng bên tối ''. Sau đó là màn đêm bao phủ ''đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối ''. ''Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà,các ngõ về làng lại càng sẫm đen hơn nữa''. Bóng tối ở phố huyện không hề xa lạ hay đáng sợ mà gần gũi, quen thuộc đầy thi vị "Liên ngồi trong một đêm mùa hạ êm như nhung... đêm tối vẫn bao bao chung quanh, đêm của đất quê và ngoài kia đồng ruộng mênh mang và yên lặng". Thiên nhiên phố huyện còn được miêu tả thật gợi cảm với "ngàn sao lấp lánh trên bầu trời đêm thăm thẳm lẫn vệt sáng nhấp nháy của đom đóm chập chờn, lẫn khuất trong những cành cây". Bóng tối không chỉ phủ lên cảnh vật, bóng tối còn ngập đầy dần trong anh mắt của Liên, thấm vào tâm hồn ngây thơ, nhạy cảm của em "nỗi buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn...". Đó là nỗi buồn dương như vô cớ, ngay Liên cũng không hiểu sao mình lại buồn, có lẽ là nổi buồn u hoài vốn có của con người khi chứng kiến sự trôi chảy, tàn lụi của thời gian. Thiên nhiên phố huyện đã được miêu tả với sự hòa hợp giữa hình ảnh, âm thanh, màu sắc, ánh sáng và cả bóng tối trong những câu văn êm ả như thơ. Đặt trong ánh mắt quan sát tinh tế và sự cảm nhận mơ mộng của Liên, bức tranh thiên nhiên nơi phố huyện nghèo vừa êm đềm, thân thuộc vừa man mác u buồn, thấm đượm cảm xúc trìu mến, nâng niu của con người với cảnh sắc quê hương.
Những câu văn êm dịu, nhịp điệu chậm rãi. hình ảnh giàu sức gợi vừa có nhạc điệu lại vừa uyển chuyển tinh tế. Tất cả tạo nên một âm hưởng rất riêng của văn chương Thạch Lam - một thứ văn giàu chất thơ. Âm hưởng của những lời văn ấy thật hài hòa với nhịp sông lặng lẽ, u buồn của phố huyện. Mỗi câu văn như một nét đơn sơ, không cầu kì kiểu cách nhưng lại gợi dậy được cái hồn của cảnh, cái thần thái của thiên nhiên khiến người đọc như thấy ra trước mắt một bức tranh quê rất Việt Nam.
Với những lời thủ thỉ tâm tình trong Hai đứa trẻ, nhà văn Thạch Lam đã tái hiện bức tranh thiên nhiên phố huyện nghèo một cách chân thực và đầy sinh động. Chất liệu trữ tình xoay quanh tâm trạng và suy tưởng của nhân vật đã thể hiện phong cách nghệ thuật của Thạch Lam. Bên cạnh đó, sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp lãng mạn cùng với xu hướng hiện thực, nhân đạo đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm…