Hình ảnh ông Tú với tấm lòng thương vợ sâu sắc trong Thương vợ - Trần Tế Xương

Trung bình: 5
Đánh giá: 2
Bạn đánh giá: Chưa

          Nói đến mảng thơ trào phúng không ai có thể quên Tú Xương, một giọng thơ đả kích, phê phán sắc sảo, cay độc, mạnh mẽ hiếm có. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết “Tú Xương cười như mảnh vỡ thủy tinh”. Nhưng Trần Tế Xương không hẳn là một nhà thơ hiện thực chủ nghĩa như vậy mà chất hiện thực ấy chỉ là “chân trái”, còn “chân phải” của ông là chất trữ tình. Ta trân trọng, cảm phục và nhớ tới thơ Tú Xương nhiều hơn có lẽ do người đời được nghe nhịp đập của một trái tim chân thành, giàu cảm xúc, biết trọng nhân cách, mang một nỗi đau vời vợi không nguôi. Đến với thương vợ ta không chỉ nghe thấy tiếng chửi mình, chửi đời mà còn thấy được lòng thương vợ sâu sắc của ông Tú. 


          Nói đến mảng thơ trào phúng không ai có thể quên Tú Xương, một giọng thơ đả kích, phê phán sắc sảo, cay độc, mạnh mẽ hiếm có. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết “Tú Xương cười như mảnh vỡ thủy tinh”. Nhưng Trần Tế Xương không hẳn là một nhà thơ hiện thực chủ nghĩa như vậy mà chất hiện thực ấy chỉ là “chân trái”, còn “chân phải” của ông là chất trữ tình. Ta trân trọng, cảm phục và nhớ tới thơ Tú Xương nhiều hơn có lẽ do người đời được nghe nhịp đập của một trái tim chân thành, giàu cảm xúc, biết trọng nhân cách, mang một nỗi đau vời vợi không nguôi. Đến với thương vợ ta không chỉ nghe thấy tiếng chửi mình, chửi đời mà còn thấy được lòng thương vợ sâu sắc của ông Tú. 

          Trần Tế Xương thường gọi là Tú Xương, quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, Nam Định (nay là phố hàng Nâu, thành phố Nam Định). Ông có cá tính rất phóng túng nên dù có tài nhưng thi đến tám lần chỉ đỗ tú tài. Tú Xương sống vào giai đoạn giao thời, giữa lúc xã hội phong kiến chuyển thành xã hội thực dân nửa phong kiến. Nam Định là nơi diễn ra cuộc sống ấy sớm và khá tập trung. Đó chính là hiện thực mà Tú Xương đã phản ánh rất sinh động và sắc nét trong một tiếng thơ trào phúng đặc sắc, với tiếng cười vỗ mặt sâu cay. Bên cạnh đó, ông còn có những bài thơ trữ tình đằm thắm mà tiêu biểu là bài Thương vợ viết về người bạn đời hiền thục, tần tảo của mình. Cũng như Nguyễn Khuyến, Tú Xương có công phát triển tiếng Việt văn học, Việt hóa thể thơ Đường luật thêm một bước dài, góp phần đổi mới nghệ thuật dân tộc. Ông để lại hơn 100 bài thơ đều bằng tiếng Việt. Thương vợ được viết khoảng 1896 - 1897. Nhà thơ có đến mấy bài thơ viết về vợ. Bà là Phạm Thị Mẫn, quê ở Hải Dương, là người vợ hiền thục, đảm đang tần tảo, rất mực yêu chồng thương con, biết trọng tài năng cá tính của ông. Vì vậy, Tú Xương rất nể và thương quý vợ. Bài thơ thể hiện được cả hai mặt của thơ Tú Xương: ân tình và hóm hỉnh.

     Tú Xương không chỉ yêu vợ, thương vợ, người chồng ấy còn thực lòng tri ân với vợ mình. Tấm lòng thương vợ của ông Tú được thể hiện qua cách nói theo lối tự trào quen thuộc trong thơ Tú Xương. Ấy là khi ông kể công của vợ bằng cách xếp ngang mình với các con để đếm "Nuôi đủ năm con với một chồng". Vì thương vợ cho nên ông luôn tự trách bản thân mình. Ông mượn lời bà vợ để đo duyên đếm nợ. Với Tú Xương cuộc đời bà Tú gắn với ông duyên thì chỉ có một mà nợ lại nhiều gấp đôi "một duyên hai nợ". Xuân Diệu đã nhận xét "Thì ra chồng cũng là một thứ con còn dại phải nuôi. Đếm con, năm con chứ ai lại đếm chồng, một chồng tại vì phải nuôi như nuôi con cho nên mới liệt ngang hàng để đếm cho đủ". Tách ra để nói cái ơn riêng của ông đối với vợ. Tú Xương hiểu được thân phận của vợ để xót xa, trách móc. Đó chính là tấm lòng yêu thương, tri ân với người vợ tần tảo khuya sớm của mình. Đằng sau mỗi câu thơ, mỗi hình ảnh dường như thấy ẩn chứa một cái nhìn dõi theo của người chồng. Đó là thái độ khi xót xa thương cảm, khi lo lắng thở dài khi là lời tự trào, thậm chí phẫn uất mà bật thành tiếng chửi:

"Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không"

     Tú Xương vừa chửi "thói đời" vừa tự trách mình "ăn ở bạc". Ông nhận lỗi về mình một cách rạch ròi và chân thành, tự rủa mình "có cũng như không". Ông cũng tự phán xét mình rất nghiêm, một phần do phẫn uất, do tức đời, tức mình và quá thương vợ. Chửi mình nhưng cũng chính là lời khen vợ, nịnh vợ rất khéo và tài tình. Tấm lòng thương vợ, biết ơn vợ không dừng lại ở việc hiểu, chia sẻ, xót xa, tri ân trách móc mà bật ra thành hành động, thành ngôn ngữ trực tiếp. Ông chửi thói đời tức là những nếp quen đáng chê trách mặc nhiên cứ được công nhận và chấp nhận. Chính tập tục phong kiến với hào lũy thành kiến bất công của nho giáo "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu xướng phụ tùy" đã không cho ông Tú được thương vợ một cách thiết thực. Dẫu muốn, ông làm sao có thể lam lũ chân tay lặn lội cùng bà, lại càng không thể học theo kiểu sống vợ chồng đầy dân dã bình dị, sẻ chia của dân gian "Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa". Vậy nên ông tự trách mình "Có chồng hờ hững cũng như không". Đằng sau tiếng chửi mình, chửi đời, chửi xã hội ấy, chúng ta thấy những giọt nước mắt của nỗi đau, của tâm trạng phẫn uất của bi kịch Tú Xương bật ra thành câu chữ. Thói đời ăn ở bạc có lẽ không chỉ là nếp quen ứng xử công bằng với người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Vậy điều gì đã khiến một người như Tú Xương phải cay đắng tự trào mình được vợ nuôi một ông con đặc biệt. Phải chăng ẩn đằng sau tiếng chửi là nỗi đau của một kẻ nam nhi "tề gia chưa xong" sao nghĩ đến việc "trị quốc, bình thiên hạ". Nói thương vợ là trách mình, là tê tái, đau đớn thương mình có lẽ là như vậy.       

      Bà Tú không hề coi chồng là ăn ở bạc, nhưng ông Tú thì gọi đích danh tội lỗi của mình ra như vậy.Thói đời đen bạc tượng trưng cho bản chất của xã hội kim tiền dưới thời thực dân phong kiến, ở thành thị điều đó càng tệ hại hơn. Hoá ra đệ tử của thánh hiền là ông Tú mà cũng bị nhiễm cái thói đời xấu xa ấy. Như vậy là từ hổ thẹn, ông Tú đã đi tới chỗ xót xa, tự trách. Ông Tú xỉ vả mình là ăn ở bạc, nhưng xét ra cái bạc ấy cũng chỉ mới ở mức hờ hững. Hờ hững trước việc nhà, trước mọi lo toan, vất vả, trước thái độ cam phận của vợ. Đã là vợ chồng, trăm sự cùng lo mới phải. Bà Tú không bắt buộc ông vất vả như bà mà chỉ mong ông đừng hờ hững, ông hãy quan tâm lo cho gia đình chút ít, trước hết là ông hiểu cho bà, như thế cũng đủ cho bà ấm lòng và có niềm vui.

          Có một con người không xuất hiện trực tiếp là ông Tú, nhưng con mắt và trái tim của ông thì luôn luôn hiện hữu. Con mắt ông nhìn thấy rõ mọi nỗi đắng cay cực nhọc hàng ngày, và con tim thì thấu hiểu những nỗi cô đơn, tâm trạng âm thầm chịu đựng của bà. Bài thơ Thương vợ là một bản tự kiểm điểm, tự khiển trách hết sức chân thành và nghiêm khắc của Tú Xương. Mỗi lời thơ như một tiếng thở dài đau xót của một con người rất có ý thức trách nhiệm, nhưng bất lực. Đó là tấm lòng thương yêu cảm phục và biết ơn rất chân thành của người chồng đối với người vợ vì mình mà chịu nhiều đắng cay vất vả.