Ý nghĩa chi tiết bát cháo hành trong Chí Phèo của Nam Cao
Đề tài người nông dân từ lâu đã trở thành đề tài quen thuộc trong nền văn học Việt Nam, là mảnh đất màu mỡ để các nhà thơ, nhà văn đi sâu vào khai thác. Nam Cao là người tiếp cận sau với đề tài, nhưng với ông '' Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới'', bằng tất cả tâm huyết và tình cảm của mình đối với những con người nghèo khổ Nam Cao đã tìm được cho mình một chỗ đứng riêng. Tác phẩm Chí Phèo là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nam Cao đặc biệt là chi tiết bát cháo hành trong truyện đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng về tình cảm con người.
Phần thân bài hướng dẫn phân tích Ý nghĩa chi tiết bát cháo hành trong Chí Phèo của Nam Cao
Nam Cao là một người có đời sống nội tâm vô cùng phong phú. Đằng sau cái bề ngoài vụng về, hiền lành, ít nói là một tâm hồn nóng bỏng, luôn diễn ra cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu. Ông là người có tấm lòng nhân hậu, có tấm lòng thương yêu đối với những con người nghèo khổ bị áp bức. Mỗi tác phẩm của ông là sự đồng cảm sâu sắc, là sự chia sẻ đầy ân tình đối với những số phận bất hạnh và là sự khẳng định bản chất tốt đẹp bất diệt của người lao động. Tác phẩm của Nam Cao xoay quanh hai mảng đề tài chính là người trí thức nghèo và người nông dân nghèo. Với cả hai đề tài, nhà văn đều chú ý đến việc thể hiện tấn bi kịch tinh thần của con người, đó là tấn bi kịch bị tha hoá. Nhân vật của Nam Cao dù là ai cũng đều rơi vào tình trạng bị tha hoá, tất cả vì miếng cơm manh áo, vì bị áp bức, dồn ép đến đường cùng. Nam Cao là nhà văn có tâm huyết và tài năng. Ông đã đưa văn học hiện thực phê phán Việt Nam đến trình độ phát triển mới, góp phần hoàn thiện thể truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam trên con đường hiện đại hoá. Tác phẩm Chí Phèo là một thành công của Nam Cao viết về đề tài người nông dân. Nhân vật Chí Phèo thể hiện tấn bi kịch tinh thần lớn nhất của con người, đó là bi kịch bị tha hoá.
Chi tiết bát cháo hành xuất hiện gần cuối thiên truyện. Khi Chí Phèo uống rượu say và ăn nằm với Thị Nở - một người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn. Sáng ra Thị Nở thương tình, đi tìm gạo và nấu cháo hành mang sang cho Chí giải rượu. Bát cháo hành là biểu tượng của tình người ấm nóng duy nhất còn sót lại nơi làng Vũ Đại. Có thể bát cháo với mỗi người chỉ là thứ vụn vặt. Cháo ấy chỉ có hành với gạo, có thể không ngon, nhưng chúng ta phải khẳng định bát cháo chan chứa tình người. Một tình người hồn nhiên, vô tư, không vụ lợi mà Thị Nở dành cho Chí. Cảm giác hạnh phúc vì được yêu thường đã hiện ra qua ý nghĩ vừa sung sướng vừa thương hại trước sự thiệt thòi của người ''suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành rất ngon''. Thị không chỉ đem cháo tới cho hắn mà còn múc ra bát và giục hắn ăn nóng. Hành động chăm sóc đầy tình cảm yêu thương ấy của thị đã khiến Chí ăn năn, thấy lòng thành trẻ con và '' muốn làm nũng thị như mẹ''. Lúc này hắn hiền lành đến khó tin "ôi sao hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người.". Chí Phèo chưa từng biết đến sự chăm sóc của mẹ, nhưng có lẽ tâm trí hắn, mẹ là người đem lại tình yêu thương, sự hiền hậu bao dung, che chở - những điều hắn đang cảm thấy từ Thị Nở. Chí còn thấy đàn bà không có men như rượu nhưng cũng làm người say. Và hắn say thị lắm.
Bát cháo hành Thị Nở như một liều tiên dược vừa giải cảm vừa giải độc. Cháo hành đã tẩy ố đi men rượu, gột rữa những tội lỗi con người. Cháo hành có hương vị đặc biệt quá, những kẻ vô nhân tính như cha con nhà Bá Kiến làm sao mà biết được. Đó là hương vị của tình người, hương vị của tình yêu. Hắn ăn cháo hành và lấy làm mãn nguyện vì vị ngon của nó. Chí Phèo quen sống với một kiểu định nghĩa "Muốn có cái ăn hắn phải kêu làng, phải rạch mặt ăn vạ, hắn phải thực sự hóa thân vào con quỷ dữ...". Mỗi miếng ăn hằng ngày của Chí đều có máu và nước mắt của những người dân lương thiện làng Vũ Đại. Nhưng hôm nay cái triết lí sống đấy của Chí dường như đã thay đổi, những gì hắn đã từng có giờ phản bội lại hắn trong hương cháo hành của người đàn bà xấu như ma chê quỷ hờn kia. Hắn hiểu rằng người ta sống với nhau không chỉ bằng tội ác mà còn bằng cả tình thương yêu nữa.
Hương cháo là hương cuộc đời, hương tình yêu mà từ trước đến nay chưa ai cho Chí cả...Bát cháo hành giản dị nhưng bao nhân tính chứa ẩn, nó giữ chân Chí Phèo đứng lại ở bờ của phần người...Từ một con quỷ, nhờ Thị Nở, Chí thực sự được trở lại làm người, với tất cả những năng lực vốn có. Một chút tình thương, dù là tình thương của một con người dở hơi, thô kệch, xấu xí cũng đủ làm dống dậy cả một bản tính nơi Chí. Thế mới biết sức cảm hóa của tình thương kì diệu biết nhường nào! Bát cháo hành đã hoàn thiện thiên chức gọi chất người, đưa Chí qua cuộc lột xác để trở về với lương thiện.
Nhưng bát cháo hành cũng là chi tiết đẩy bi kịch của Chí lên đến đỉnh điểm. Sau năm ngày ở với Chí, Thị Nở bỗng nhớ ra mình còn bà cô và quyết quay về xin ý kiến. Thị bị bà cô xỉa xói vào mặt và khi quay lại nhà Chí Phèo, thị cũng chửi lại bằng tất cả những lời của bà cô và vùng vằng bỏ về. Chí níu kéo nhưng bị Thị xô đẩy, Chí rơi xuống hố sâu của tuyệt vọng. Thị Nở đã phụ bạc hắn, hắn không còn cơ hội để quay về với cuộc sống lương thiện. Tuyệt vọng hắn uống rượu nhưng càng uống càng tỉnh và thoang thoảng “hơi cháo hành”. Đó là biến thể của bát cháo hành. Hắn không say, vị ngọt của tình người cứ thoang thoảng để hắn đau khổ “khóc rưng rức”. Cuối cùng hắn lựa chọn cầm dao đến nhà Bá Kiến, đâm Bá Kiến và tự sát. Hơi cháo hành không cho phép hắn trở lại con đường cũ, cuộc sống của con quỷ dữ. Hắn trở về lương thiện chỉ có thể bằng tự sát. Bát cháo hành gọi dậy con người trong Chí để nó thức dậy dù đau khổ, bi kịch. Bát cháo hành chính là cánh cửa đưa nó thoát khỏi kiếp đọa đầy.
Qua chi tiết nó cũng cho ta thấy một hiện thực mà nhà văn đau đáu đó là những định kiến làng xã nông thôn đã tước đi quyền được sống của con người… Qua đó nhà văn cũng gióng lên một hồi chuông khẩn thiết đòi thay máu cho xã hội để ít nhất con người được sống lương thiện. Bát cháo hành là một chi tiết đặc sắc đã góp phần làm nên “nhà văn lớn” Nam Cao. Tác phẩm khép lại nhưng dư âm của tình người trong chi tiết nghệ thuật ấy vẫn còn mãi.