Phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo - Nam Cao

Trung bình: 5
Đánh giá: 1
Bạn đánh giá: Chưa

          Đến với truyện ngắn "Chí Phèo", ta thấy được hình ảnh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam trước cách mạng qua bức tranh làng Vũ Đại. Bức tranh hiện thực ấy không chỉ khắc họa người nông dân hiền lành bị lưu manh, tha hóa mà còn nổi bật lên những con người thuộc tầng lớp thống trị mưu mô, tàn ác, tiêu biểu là nhân vật bá Kiến. Bên cạnh hai nhân vật Chí Phèo và thị Nở, nhân vật bá Kiến cũng để lại trong lòng bạn đọc những ấn tượng riêng biệt, đó cũng là nhân vật làm cho tác phẩm Chí Phèo sống đến ngày nay và có thể mai sau nữa. 


          Nam Cao tên là Trần Hữu Tri. Ông quê Làng Đại Hoàng, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, học xong bậc thành chung Nam Cao bôn ba kiếm sống ở nhiều nơi, làm nhiều nghề nhưng cuối cùng làm báo, viết văn. Trước Cách mạng tháng Tám, ông là nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là nhà văn Cách mạng, tận tụy phục vụ Cách mạng và tham gia kháng chiến. Nam Cao đem hết sức mình viết để phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc. Nam Cao có bề ngoài lạnh lùng, ít nói nhưng đời sống nội tâm vô cùng phong phú. Ông luôn nghiêm khắc, tự đấu tranh với bản thân để thoát khỏi lối sống tầm thường, nhỏ nhen. Nam Cao có tấm lòng nhân hậu, gắn bó sâu nặng ân tình với quê hương và những người nông dân nghèo khổ bị áp bức, khinh miệt. Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nam Cao, đưa Nam Cao lên vị trí hàng đầu trong đội ngũ các nhà văn hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945. Tác phẩm viết năm 1941 với nhan đề "Lò gạch cũ" sau đổi thành "Đôi lứa xứng đôi". Năm 1946 khi in lại, Nam Cao đổi tên thành “Chí Phéo”.

     Bá Kiến là một nhân vật điển hình cho giai cấp thống trị ở xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Nhà Bá Kiến đã có bốn đời làm thống lí, con trai hắn làm lí trưởng, còn bản thân hắn là lí trưởng rồi chánh tổng. Uy quyền của Bá Kiến khiến cả dân lành lẫn bọn lưu manh đều phải khiếp sợ. Chính Chí Phèo khi đến nhà Bá kiến đòi món nợ máu cũng có suy nghĩ "dại gì mà vào miệng cọp". Bản chất của Bá Kiến đầy thủ đoạn và rất nham hiểm. Bá Kiến lấy kẻ đầu bò để trị kẻ đầu bò, thực hiện chính sách "trị không được thì cụ dùng", "mềm nắn rắn buông" với triết lí thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân, "nắm thằng có tóc chứ không ai nắm kẻ trọc đầu"... Qua những chính sách cai trị ấy ta có thể thấy rõ được bản chất thâm độc của hắn. 

     Ngoài ra, hắn còn là một kẻ ném đá giấu tay. Bá Kiến lấn át các phe cánh khác nhờ thu dụng được những kẻ không sợ chết, không sợ đi tù. Là một con người lọc lừa, dối trá, xảo quyệt "ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi dắt nó lên để nó đền ơn", "đập bàn đập ghế, đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì vứt trả năm hào vì thương anh túng quá".  Đó là một con người quá gian xảo, đối trá nên để nhận ra được bộ mặt thật của hắn không hề dễ dàng. Xem thêm Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo trong Chí Phèo của Nam Cao

     Bá Kiến là một tên đểu cáng, rất tàn bạo. Hắn đã từng đẩy biết bao nhiêu con người lương thiện vào con đường tội lỗi không lối thoát ra. Năm Thọ là một thằng đầu bò "kình nhau" với Bá Kiến ra mặt nhưng cụ bá chưa có cơ hội để trị. Nhân việc hắn can dự vào một vụ cướp bị bắt giam, Bá Kiến ngấm ngầm cho vào tù. Bá Kiến còn biến Chí Phèo từ một anh nông dân nghèo, chất phác, hiền lành thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Vì một chuyện ghen vớ vẩn, hắn đã đẩy Chí Phèo vào tù bảy, tám năm để rồi sau khi ra tù Chí Phèo bị tha hóa cả nhân hình lẫn nhân tính. Khi Chí ra tù, chỉ với vài câu nói ngon nói ngọt hắn đã có một tai sai ngoan ngoãn. Bá Kiến sai Chí đi đòi nợ, nếu đòi được thì tốt mà không đòi được thì Chí cũng bị trị chứ hắn chả thiệt gì.

     Bá Kiến là một nhân vật điển hình của giai cấp thống trị tham lam, tàn bạo, không trừ một thủ đoạn nào để bóc lột người nghèo, những người dân lương thiện. Song hắn vẫn có nét riêng của tên ác bá gian hùng, nham hiểm, thủ đoạn. Thông qua nhân vật Bá Kiến ta thấy được nét độc đáo về nghệ thuật của Nam Cao. Không giống với các nhà văn cùng thời chỉ miêu tả ngoại hình của giai cấp thống trị như Ngô Tất Tố và Nguyễn Công Hoan, ông khắc họa tâm địa là chính "cụ cười nhạt nhưng giòn giã lắm", "cụ hay quát để thử dây thần kinh của người khác", "tiếng cười Tào Tháo", ấy là tâm địa độc ác, xảo quyệt.  Nhà văn Lê Đình Kỵ đã nhận định "Trong văn xuôi trước cách mạng, chưa có ai có được ngòi bút sắc sảo, gân guốc soi mói như của Nam Cao".

Kết luận Phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo -  Nam Cao

          Phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo - Nam Cao đã rất thành công khi xây dựng nhân vật Bá Kiến, đây là một con người gian xảo, độc ác khôn lỏi lẽ đời những cũng là người có bản lĩnh ngoan cường. Khắc họa nhân vật Bá Kiến, Nam Cao cho thấy quá trình đấu tranh gay gắt giữa nông dân với bọn cường hào. Đồng thời đó cũng là lời phê phán, tố cáo đanh thép xã hội thực dân nửa phong kiến chà đạp lên quyền sống của con người. Với việc xây dựng nhân vật điển hình này, tác giả khắc họa được mâu thuẫn xảy ra trong xã hội lúc bất giờ, đó là lời tố cáo cũng như lời lên tiếng bảo vệ quyền sống cho những người nông dân.