Phân tích 12 câu đầu Nỗi thương mình (trích Truyện Kiều) - Nguyễn Du
Đoạn trích Nỗi thương mình kể về chuỗi ngày nhiều đau đớn và nước mắt của Thúy Kiều khi mắc lừa Sở Khanh và bị bán vào lầu xanh, dưới bàn tay của mụ Tú Bà ghê tởm. Cuộc đời nhơ nhớp, ô nhục của Kiều đã bắt đầu từ đây. Bằng niềm xót thương vô hạn cho nhân vật của mình, Nguyễn Du như nhỏ máu trên từng trang viết khi kể về cuộc đời Thúy kiều. Đoạn trích như cứa vào lòng người những vết thương sâu khi Thúy Kiều rơi vào cảnh khốn cùng, bi đát. 12 câu thơ đầu đoạn trích nói về tình cảnh trớ trêu và niềm thương xót cho thân phận của Thúy Kiều.
Đoạn trích Nỗi thương mình kể về chuỗi ngày nhiều đau đớn và nước mắt của Thúy Kiều khi mắc lừa Sở Khanh và bị bán vào lầu xanh, dưới bàn tay của mụ Tú Bà ghê tởm. Cuộc đời nhơ nhớp, ô nhục của Kiều đã bắt đầu từ đây. Bằng niềm xót thương vô hạn cho nhân vật của mình, Nguyễn Du như nhỏ máu trên từng trang viết khi kể về cuộc đời Thúy kiều. Đoạn trích như cứa vào lòng người những vết thương sâu khi Thúy Kiều rơi vào cảnh khốn cùng, bi đát. 12 câu thơ đầu đoạn trích nói về tình cảnh trớ trêu và niềm thương xót cho thân phận của Thúy Kiều.
Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong gia đình quý tộc, nhiều đời làm quan, có truyền thống văn chương. Nguyễn Du sống ở thời đại đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam, đó là thời kì khủng hoảng trầm trọng, giai cấp thông trị thối nát, tham lam, tàn bạo, chém giết lẫn nhau. Những yếu tố này tác động nhiều tới tình cảm, nhận thức của Nguyễn Du. Từ khi 9 tuổi ông đã lâm vào cảnh mồ côi, phải sống phiêu bạt nhiều năm, nhiều nơi, lúc ở Thăng Long, lúc lại vào quê nội Hà Tĩnh, có giai đoạn về quê vợ ở Thái Bình. Những biến động của lịch sử và cuộc đời đã tác động nhiều đến tâm hồn và tư tưởng của Nguyễn Du. Có thể nói cuộc đời Nguyễn Du chìm nổi, gian truân, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều hạng người, chính vì thế ông có vốn sống phong phú, có nhận thức sâu rộng, được coi là một trong năm người giỏi nhất nước Nam lúc bấy giờ. Về sự nghiệp văn học, Nguyễn Du có nhiều sáng tạo lớn cả về chữ Hán và chữ Nôm. Truyện Kiều ra đời đầu thế kỉ XIX , dựa trên cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng đã có sự sáng tạo tài tình và thay đổi, bổ sung nhiều yếu tố sao ho phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.
Mở đầu đoạn trích là tình cảnh trớ trêu của Thúy Kiều ở lầu xanh:
"Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng trận cười thâu đêm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh”
Tác giả dùng bút pháp ước lệ, tượng trưng "bướm", "ong", "cuộc say", "trận cười" để miêu tả cảnh sinh hoạt tấp nập, xô bồ ở chốn lầu xanh. “Bướm lả ong lơi” gợi ra viễn cảnh vô cùng dung tục, khách chơi ngả nghiêng hết vờn đóa hoa này, lại chạm đến bông hoa kia, hết sức tạp nham và lẫn lộn. Hình ảnh “dập dìu” nam nữ cười đùa, ngả ngớn, đầu sát bên đầu, má ấp bên má tựa như lá với gió, cành với chim. Tác giả đã khéo léo sử dụng các điển tích, điển cố “Tống Ngọc” và “Trường Khanh” để chỉ những người phong lưu, ăn chơi ở chốn lầu xanh. Ngoài ra Nguyễn Du còn sử dụng nghệ thuật tiểu đối bướm lả-ong lơi, cuộc vui-trận cười, sớm-tối...gợi nên sự bẽ bàng, xấu hổ của Thúy Kiều. Các từ ngữ chỉ mức độ "biết bao", "đầy tháng", "suốt đêm" gợi cuộc sống xô bồ, phải tiếp khách suốt đêm. Đây là một tình cảnh trớ trêu của cuộc đời Kiều khi bị vùi dập, chà đạp cả thể xác và nhân phẩm. Những hình ảnh ấy đã cho thấy cuộc sống đầy tủi khổ của Thúy Kiều ở chốn lầu xanh, trở thành người mua vui cho những vị khách phong lưu, đa tình.
Sau những cuộc vui nơi chốn lầu xanh nhơ nhuốc, Kiều giật mình xót thương cho thân phận bạc bẽo:
"Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa.”
"Khi tỉnh rượu" Kiều tự ý thức được hành động của mình, ý thức được những điều quá cay đắng, chua chát của số phận. "Lúc tàn canh" là thời gian ban đêm khi mọi cuộc vui đã lui, đó là lúc Kiều sống thật với bản thân mình nhất, đối diện với chính mình với bao suy tư, trăn trở. "Giật mình mình lại thương mình xót xa", trong một câu thơ có đến ba chữ "mình" gợi ra sự cô độc của thân phận. Kiều "giật mình” vì thấy ghê tởm cho cảnh sống hiện tại "giật mình” cho chính bản thân, một thiếu nữ trong trắng nay rơi vào cảnh “bướm chán ong chường”, tấm thân vàng ngọc giờ đành để khách làng chơi giày vò. Vì thế mà bốn chữ “mình lại thương mình” chìm xuống, giọng thơ đầy thấm thía cô đơn xót xa. Đằng sau cái giật mình ấy chính là nỗi thương mình, xót xa cho chính bản thân mình, sự xót xa ấy của Kiều xét đến cùng chính là sự tự ý thức về nhân cách.
Bốn câu thơ tiếp theo như là nỗi dằn vặt, tự đau, tự thương lấy mình. Thúy Kiều cay đắng nghĩ tới sự tương phản giữa quá khứ tươi đẹp, hạnh phúc và hiện thực đen tối, phũ phàng:
"Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!"
Cặp từ đối lập “khi sao” và “giờ sao” với nghệ thuật đối giữa hai câu lục/ bát đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa quá khứ thì êm đềm, hạnh phúc còn hiện tại thì đau đớn, phũ phàng, bị vùi dập. Để thể hiện sự đối lập giữa quá khứ với hiện tại, tác giả Nguyễn Du đã tô đậm cuộc sống cùng tâm trạng ê chề, nhục nhã, chán chường của Thúy Kiều trong hoàn cảnh đầy trớ trêu. Thêm vào đó, với việc sử dụng hàng loạt từ để hỏi “khi sao”, “giờ sao”, “mặt sao”, “thân sao” đã tạo nên giọng điệu chất vấn, Thúy Kiều như đang tự hỏi, tự dằn vặt chính bản thân mình. Tác giả còn sử dụng thành ngữ chéo “dày gió dạn sương” (dày dạn gió sương), “bướm chán ong chường” (ong bướm chán chường) nhằm nhấn mạnh sự ngỡ ngàng, bàng hoàng. Khi sống thật với chính mình, Kiều xót xa cho thân phận, phải chăng đó cũng chính là tiếng nói đòi quyền sống cá nhân của con người trong xã hội phong kiến của Nguyễn Du- con người biết nhận thức và ý thức về hạnh phúc của mình.
Hai câu thơ day dứt một tiếng thở dài tuyệt vọng của một cô gái vốn tài sắc hơn người, khát khao hạnh phúc nhưng bây giờ đã chán ngán tất cả:
“Mặc người mưa Sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì?”
Sống trong cảnh lầu xanh suốt ngày phải mua vui cho người khác, hành hạ bản thân mình, lặp đi lặp lại hằng ngày ai cũng sẽ thấy chán chường muốn và Kiều cũng vậy. Từ ''xuân'' ở đây ý chỉ niềm vui được hưởng hạnh phúc lứa đôi nhưng với Thúy Kiều sống làm vợ khắp người ta thì làm gì còn có mùa xuân, chỉ thấy trong đó là sự nhục nhã, lẻ loi và cô đơn của cuộc đời người kĩ nữ mua vui. Từ ''mặc'' ở đây lại chỉ sự bất lực, mặc cho mọi thứ muốn tới đâu thì tới, dằn vặt nặng nề đay nghiến của Thúy Kiều nhưng không làm sao khác được.
Đoạn trích là niềm thương cảm cho số phận của nàng Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn mà bạc mệnh. Bao trùm không khí là sự buồn tủi, xót xa nhưng không bi lụy, yếu đuối. Những dòng thơ của Nguyễn Du đều thể hiện một tấm lòng thương yêu, đồng cảm, và đề cao phẩm cách đáng quý của nàng Kiều, trong trắng, thanh khiết như một đóa hoa sen giữ chốn bùn lầy nhơ nhớp của xã hội phong kiến bấy giờ. Nguyễn Du thông qua đó tố cáo tội ác, sự bẩn thỉu của một xã hội mục nát đã tàn phá, vùi dập những con người khốn khổ, đáng thương vào tận đáy của xã hội, trong đau đớn tủi nhục, đặc biệt là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, không thể phản kháng, không có tiếng nói.