Quan niệm của Xuân Diệu về thời gian trong "Vội vàng"
Quan niệm của người xưa, thời gian là tuần hoàn, xuân đi rồi xuân lại đến. Quan niệm này xuất phát từ cái nhìn tĩnh lại lấy vũ trụ làm thước đo của thời gian. Từ quan niệm ấy người xưa có một lối sống an nhiên thuận theo lẽ tự nhiên và nhận thức rằng cái chết chưa hẳn dã là hư vô. Xuân Diệu lại có ý thức khác về thời gian như thế nào? Ý thức đó đã chi phối tâm rạng của tác giả như thế nào ta sẽ thấy rõ được ở khổ thơ tiếp theo của Vội vàng
Hướng dẫn phân tích Quan niệm của Xuân Diệu về thời gian trong "Vội vàng"
" Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
...
"Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa..."
Mở đầu khổ thơ là nỗi hoài xuân của tác giả. Nhịp thơ 3/5 và dấu chấm giữa dòng như một nốt lặng đột ngột thể hiện trạng thái sững sờ, hụt hẫng của nhà thơ khi bắt gặp sự trớ trêu của cuộc sống, nhà thơ yêu đời vì cuộc sống quá đẹp đẽ, niềm yêu đời khiến nhà thơ sung sướng nhưng cũng chính vì niềm yêu ấy mà ông vội vàng bởi nỗi hoài xuân. Niềm sung sướng khi được hưởng thụ những hương sắc của cuộc đời chưa trọn vẹn thì dòng thơ đã đứt lặng giữa chừng bởi nỗi lo âu cuộc đời ngắn ngủi. Với nỗi ám ảnh của một người quá yêu đời, luôn sợ thiếu thời gian cho tình yêu đời, Xuân Diệu "không chờ nắng hạ mới hoài xuân", ông lo lắng nhớ nhung tiếc nuối mùa xuân ngay khi đang ở giữa mùa xuân. Điều đó chứng tỏ ông là người nhạy cảm tinh tế trước những bước chuyển của thời gian.
Thời gian sẽ chẳng bao giờ ngừng lại, nó luôn chảy mãi. Đứng trước thiên nhiên vô tận, Xuân Diệu còn ý thức được sự hữu hạn của cá nhân, dự cảm lo âu về thời gian và sự ngắn ngủi của tuổi trẻ, mùa xuân của đời người chẳng hai lần thắm lại:
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Tác giả đã tạo ra giọng tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình với người khác nhưng cũng là sự ngậm ngùi với chính mình. Nhà thơ đã dựng lên mối tương quan đối lập giữa những hình ảnh "non-già", "tới-qua", "còn-chẳng còn", "vẫn tuần hoàn- chẳng hai lần thắm lại" đã tô đậm bi kịch của kiếp người mang tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn không bao giờ sống trọn vẹn được phần khao khát của chính mình. Nhà thơ đã lấy mùa xuân, tuổi trẻ làm thước đo cho cuộc đời mỗi con người. Tuổi trẻ là khoảng thời gian quý giá nhất nhưng cũng vô cùng ngắn ngủi. Cuộc đời con người và tuổi xuân được đặt trong mối quan hệ với không gian, thời gian mênh mông vĩnh hằng "Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất" cho nên lại càng ngắn ngủi, hữu hạn biết bao nhiêu. Với sự thức tỉnh ý thức cá nhân sâu sắc, nhà thơ cảm nhận hơn ai hết một sự thật đáng buồn "Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại" cho dù mùa xuân của đất trời vẫn cứ tuần hoàn, ngày hôm nay đã khác hôm qua, huống chi năm này với năm khác, nàng xuân thì trường sinh còn tuổi trẻ của mỗi người đều có giới hạn. Khát khao của người nghệ sĩ càng vô cùng lớn lao thì giới hạn của khiếp người càng trở nên ngắn ngủi, chật chội. Người đọc cảm nhận được sự lo lắng vì thấy được cái tàn phai héo úa của mùa xuân và tuổi trẻ ngay trong thời điểm tươi đẹp nhất. Quan niệm đó của nhà thơ xuất phát từ cái nhìn biện chứng về vũ trụ và cuộc đời, nỗi niềm khắc khoải thời gian vẫn thường trực trong tâm hồn nhà thơ. Tuy nhiên thực tế vẫn là thực tế, vũ trụ vẫn chuyển động như vốn dĩ, thời gian vẫn trôi, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Mỗi khoảnh khắc đều quý giá vô cùng vì đến là đi, không thể lấy lại, không thể lặp lại.