Phân tích 12 câu thơ đầu Trao duyên (trích Truyện Kiều) - Nguyễn Du

Trung bình: 5
Đánh giá: 1
Bạn đánh giá: Chưa

          Trong thời đại phong kiến xưa, thân phận người phụ nữ thường bị coi rẻ, những hình ảnh đó đã được ca dao dân ca khắc họa một cách rõ nét. Trong tác phẩm truyện Kiều của Nguyễn Du người đọc cũng có thể thấu hiểu được những nỗi nhục nhã, đau khổ đó mà người phụ nữ phải trải qua. Đặc biệt qua đoạn trích Trao duyên ta có thể thấy được sự giằng xé tâm trạng của người phụ nữ hiện rõ qua nhân vật Thúy Kiều đặc biệt là đoạn nhờ cậy Thúy Vân ở 12 câu thơ đầu..


          Trong thời đại phong kiến xưa, thân phận người phụ nữ thường bị coi rẻ, những hình ảnh đó đã được ca dao dân ca khắc họa một cách rõ nét. Trong tác phẩm truyện Kiều của Nguyễn Du người đọc cũng có thể thấu hiểu được những nỗi nhục nhã, đau khổ đó mà người phụ nữ phải trải qua. Đặc biệt qua đoạn trích Trao duyên ta có thể thấy được sự giằng xé tâm trạng của người phụ nữ hiện rõ qua nhân vật Thúy Kiều đặc biệt là đoạn nhờ cậy Thúy Vân ở 12 câu thơ đầu..

          Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Cuộc đời Nguyễn Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII – XIX. Đây là giai đoạn lịch sử đầy biến động với hai đặc điểm nổi bật là chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng và phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, đỉnh cao là phong trào Tây Sơn. Yếu tố thời đại đã ảnh hưởng sâu sắc tới ngòi bút của Nguyễn Du khi viết về hiện thực đời sống. Cuộc đời của tác giả phiêu bạt nhiều năm trên đất Bắc, đi nhiều, tiếp xúc nhiều đã tạo cho ông vốn sống phong phú và niềm thông cảm sâu sắc với những đau khổ của nhân dân. Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Đoạn trích Trao duyên bắt đầu từ câu 723 đến 756 trong Truyện Kiều, 12 câu thơ đầu là Kiều thuyết phục và trao duyên cho Thúy Vân. 

     Mở đầu chính là lời nhờ cậy của Kiều với Vân thay mình trả ân nghĩa cho Kim Trọng:

"Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa"

     Ở đây Nguyễn Du dùng từ hết sức tinh tế và chuẩn xác. "Cậy" vốn nó mang nghĩa là nhờ người khác, nhưng tác giả lại thay từ "nhờ" thành "cậy" để tăng sắc thái biểu cảm, "cậy" thể hiện một sự tinh tưởng trọn vẹn đến người được nhờ. "Chịu" cũng giống với "nhận" đều mang một nghĩa là đồng ý, đồng thời chữ này cũng khác với từ "nhận" ở thái độ tình cảm khẩn thiết, van nài. Từ "lạy" vốn dĩ rất trang nghiêm và hệ trọng, "thưa" thể hiện thái độ kính cẩn, trang trọng với bề trên và người lớn tuổi hơn mình nhưng Thúy Kiều lại sử dụng với người nhỏ hơn điều đó chứng tỏ Kiều rất biết ơn sự hi sinh của Vân. Cách xưng hô, dùng từ khác thường (cậy, chịu, lạy, thưa...) có ý nghĩa một phần là nhờ vả một phần lại là nài ép, Thúy Kiều coi đó là việc Thúy Vân cần làm “tình chị duyên em”. Không khí trao duyên rất trang trọng, thiêng liêng, sự việc bất ngờ, phi lí nhưng lại hợp lí, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sắp nhờ. Qua đó thấy được sự nhạy cảm, tinh tế và khôn khéo của Thúy Kiều. 

     Mối tình của Thúy Kiều và Kim Trọng tuy rất mặn nồng, thắm thiết nhưng lại mong manh, dễ tan vỡ:

"Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em"

     Hoàn cảnh "đứt gánh tương tư" đẩy Kiều vào tình thế phải lựa chọn giữa chữ hiếu và chữ tình. Đau đớn và xót xa nhưng một người con có hiếu như nàng nhất định sẽ không chọn chữ tình mà để cha mẹ phải đau khổ, nàng lựa chọn chữ hiếu mà trái tim như vụn vỡ khi phải phụ lòng chàng Kim. Tình yêu đẹp đẽ vừa chớm nở đã bị hiện thực phũ phàng, ngang trái làm tan vỡ. "Mối tơ thừa" là mối tình của Kiều và Kim Trọng nhưng đã "đứt gánh" rồi còn đâu, "chắp mối" nghĩa là Thúy Vân là người nhận lại mối tình dang dở đó, cách nói nhún nhường, trân trọng vì Kiều hiểu rõ sự thiệt thòi của em. “Mặc em” là sự phó mặc, ủy thác nó vừa có ý mong muốn vừa có ý ép buộc Thúy Vân phải nhận lời. 

"Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề"

     Những kỉ niệm tình yêu thật đẹp đẽ, sâu đậm mà nàng chỉ muốn giữ cho riêng mình, từ “khi” được lặp lại hai lần đã cho thấy rõ mong muốn đó. Nhưng tất cả chỉ còn là quá khứ xa xôi, thực tại thật đau đớn và phũ phàng với nàng. Với nghệ thuật liệt kê "ngày quạt ước", "đêm chén thề" những kỉ niệm đẹp đẽ ấy trở nên sống động hơn trong lòng Kiều. Câu thơ ẩn chứa những tình cảm ngọt ngào, những niềm vui nhưng cũng nghe như tiếng nấc nghẹn của Thúy Kiều, những kỉ niệm đẹp ấy sẽ kết thúc, chỉ còn lại chuỗi ngày bi thảm tiếp sau.

"Sự đâu sóng gió bất kỳ,

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?"

     "Sóng gió bất kì" là khi Kim Trọng phải về quê chịu tang chú, gia đình Kiều lại bị mắc oan, cha và em Kiều bị bắt, cách duy nhất để cứu họ là nàng phải bán mình, đồng nghĩa với việc nàng phải làm trái với lời hẹn ước trước kia với người yêu. Hoàn cảnh trái ngang quá, giữa hai lẽ "hiếu" và "tình", Kiều chỉ có thể chọn một. Nàng dằn vặt nội tâm, day dứt đau đớn, cuối cùng đành hi sinh tình yêu của mình để làm tròn chữ hiếu. Nàng tỏ nỗi lòng với Vân, dùng nỗi đau của mình để thuyết phục Vân, hi vọng em mình có thể thấu hiểu cho và chấp nhận yêu cầu của mình.

      Tình yêu đẹp đẽ là thế, chỉ mới hé nở thôi đã bị dập tắt. Nàng dằn lòng mình, lấy lời lẽ khéo léo để khuyên em và cũng là thuyết phục em:

"Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ, thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"

     "Ngày xuân" ý muốn nói Vân còn trẻ, còn có tương lai, "tình máu mủ" nghĩa là tình chị em vẫn còn đó, tình ruột thịt thiêng liêng. "Thịt nát xương mòn" , "ngậm cười chín suối" nghĩa là Kiều đang tưởng tượng đến cái chết của mình để gợi sự thương cảm ở Thúy Vân. Các thành ngữ "tình máu mủ", "lời nước non", "thịt nát xương mòn", "ngậm cười chín suối" được dùng đến trong bốn câu thơ trên thể hiện sự quyết tâm thuyết phục em cho bằng được của Kiều. Đối với nàng, việc trả nghĩa cho Kim Trọng còn quan trọng hơn cả mạng sống, chỉ cần Vân kết duyên với Kim Trọng, cho dù có chết đi thì Kiều cũng thấy được an ủi, mãn nguyện. Chính cách viện đến tình máu mủ và cái chết ấy đã khiến cho Vân chẳng thể nào từ chối lời khẩn cầu của nàng. Cách lập luận hết sức chặt chẽ, thấu tình cho thấy Thúy kiều là người sắc sảo tinh tế, có đức hi sinh, một con người hiếu thảo, trọng tình nghĩa. 

          Với thể thơ lục bát được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, đầy sáng tạo kết hợp với nhiều biện pháp tu từ, sử dụng sáng tạo thành ngữ dân gian và kết hợp tài tình ngôn ngữ bác học với ngôn ngư bình dân , Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét tâm trạng dằn vặt, đau đớn khi phải hi sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu của Kiều, khiến hình tượng của nàng trở nên đẹp đẽ hơn trong lòng người đọc. Đồng thời, qua tác phẩm ta còn có thể thấy được sự yêu thương, cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du dành cho nhân vật của mình.