Phân tích 14 câu thơ giữa Trao duyên ( trích Truyện Kiều) - Nguyễn Du

Trung bình: 4
Đánh giá: 2
Bạn đánh giá: Chưa

           Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, ông từng phiêu bạt, sống gian khổ ở nhiều nơi khác nhau nên đã chứng kiến những bất công ngang trái của cuộc đời đặc biệt là người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Qua trang đời của người con gái tài hoa bạc mệnh - Thúy Kiều, Nguyễn Du đã phải thốt lên: "Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Trao duyên là nốt nhạc buồn khởi đầu cho cung đàn bạc mệnh suốt mười lăm năm của Thúy Kiều. Nếu như ở 12 câu đầu Thúy Kiều nhờ cậy em gái Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng thì ở 14 câu tiếp Thúy Kiều đầy xót xa đau đớn mà trao kỉ vật cho Thúy Vân và nhờ cậy em truyện mai sau.
 


           Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, ông từng phiêu bạt, sống gian khổ ở nhiều nơi khác nhau nên đã chứng kiến những bất công ngang trái của cuộc đời đặc biệt là người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Qua trang đời của người con gái tài hoa bạc mệnh - Thúy Kiều, Nguyễn Du đã phải thốt lên: "Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Trao duyên là nốt nhạc buồn khởi đầu cho cung đàn bạc mệnh suốt mười lăm năm của Thúy Kiều. Nếu như ở 12 câu đầu Thúy Kiều nhờ cậy em gái Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng thì ở 14 câu tiếp Thúy Kiều đầy xót xa đau đớn mà trao kỉ vật cho Thúy Vân và nhờ cậy em truyện mai sau.
          Nguyễn Du có tên chữ là Tố Như hiệu là Thanh Hiên, quê tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình vô cùng danh giá, cha làm quan lớn trong triều Lê, anh trai cùng cha khác mẹ cũng làm tới quan Tham tụng trong triều. Tuổi thơ ông đầy biến động, cha mẹ mất sớm, phải tha hương nhiều nơi lúc thì về quê cha, khi về quê mẹ và có một thời gian phải phiêu dạt tận quê vợ ở Thái Bình. Có thể nói chính cuộc sống chìm nổi cùng với thời thế đầy biến động, phiêu bạt nhiều nơi đã tạo nên một Nguyễn Du có học vấn sâu rộng, trái tim chất chứa yêu thương và cảm thông sâu sắc với những kiếp người nghèo khổ. Nguyễn Du được coi là một người có thiên phú văn học từ nhỏ, bậc thầy trong việc sử dụng tiếng Việt, là ngôi sao sáng chói trên bầu trời văn học Việt Nam. Ông để lại cho đời cả một kho tàng văn học phong phú với khoảng hơn ngàn tác phẩm bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm, trong đó không thể không kể đến Truyện Kiều. Đó là một kiệt tác viết bằng chữ Nôm dựa trên cốt truyện tiểu thuyết của Thanh Tâm tài nhân, tuy nhiên đã được sáng tạo tài tình cải biến để phù hợp với xã hội Việt Nam. Câu truyện được kể bằng 3254 câu thơ, đoạn trích Trao duyên bắt đầu từ câu 723 đến 756.

     Sau khi nhờ cậy Vân trả nghĩa cho Kim Trọng, Thúy Kiều trao kỉ vật tình yêu lại cho Vân:

"Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung"

     "Chiếc vành", "tờ mây" là những kỉ vật minh chứng cho tình yêu cũng là lời thề ước của Kim Trọng và Thúy Kiều. Kỉ vật của một mối tình đẹp mà Kiều không nỡ rời xa nay đành gửi gắm tất cả lại cho Vân. Đồ vật thì có thể trao lại cho người khác, nhưng còn tình cảm thì làm sao gửi gắm được, tình yêu giữa hai người đâu phải muốn cho ai là cho. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng giữa Kiều và chàng Kim, không thể có người thứ ba xen vào. “Duyên này thì giữ” là trao kỉ vật nhưng không thể quên được kỉ niệm điều đó chứng tỏ tình yêu sâu đậm, nồng nàn của  Kim - Kiều. “Của chung” là vật từng là của riêng Kim và Kiều, nay là của chung Kim, Kiều, Vân, nó gợi được sự đau đớn và tiếc nuối. Nguyễn Du có lẽ đang oán cái chế độ xã hội tàn bạo, cổ hủ khiến cho một tình yêu thiêng liêng, mặn nồng như thế phải tan vỡ. 

     Kỉ vật đã trao lại cho em, Kiều nhắc nhở Vân những lúc hạnh phúc ở bên người yêu thì đừng quên chị:

Dù em nên vợ nên chồng

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên

Mất người còn chút của tin

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa"

     Trao kỉ vật lại cho em cũng nhằm để cho em nhớ đến mình, nàng tự coi mình là “mệnh bạc” để người khác xót xa thay cho thân phận mình. Sợi tơ duyên đẹp đẽ ngày nào đã mất đi thì sống trên đời cũng chẳng còn nghĩa lý gì. Kiều chỉ mong rằng Thúy Vân còn giữ kỉ vật cũng như nhớ về người chị “mệnh bạc” này. Chút níu giữ đó là vật làm tin nay cũng trao đi rồi, còn "phím đàn” ở lại như để mỗi khi ai đó đánh lên sẽ nhớ tới nàng. Bốn câu thơ tiếp theo chính là những dự cảm về cái chết mà Kiều đã sẵn sàng đón nhận:

"Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về"

     Tác giả sử dụng từ ngữ mang tính giả định "mai này", "dù có" để thấy được tưởng tượng của Kiều về cảnh ngộ của mình trong tương lai, Thúy Kiều đã mất niềm tin vào tương lai phía trước. Một người đương tuổi xuân phơi phới nhưng luôn nghĩ về cái chết. Nàng chỉ mong ước duy nhất đó là mai sau Thúy Vân hãy nhớ tới linh hồn của mình để nàng đỡ lẻ loi, hiu quạnh. Khi đàn, khi đốt hương hay khi trông ra ngọn cỏ thì hãy nhớ đến người chị này. Kiều mất niềm tin vào cuộc sống, cho dù chết cũng chỉ biết nương nhờ cỏ cây, vật vờ nơi lá cây ngọn cỏ chứ chẳng biết bám víu vào đâu.

     ​​​​​​​Hồn còn mang nặng lời thề

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai

Dạ đài cách mặt khuất lời

Rưới xin giọt nước cho người thác oan"

     Hình ảnh "hồn", "thân bồ liễu", "ghì trúc mai",  "dạ đài", "giọt nước", "thác oan" gợi ra cuộc sống cõi âm, đầy tâm linh, ma mị. Lời thề, lời hẹn ước mặc dù đã được trao cho em thay mình trả nhưng không có nghĩa là cô đã hoàn toàn trút bỏ, lãng quên. Thậm chí kể cả khi đã chết thì vẫn “mang nặng lời thề”. Nàng tự ví mình như “bồ liễu”, “trúc mai” tuy mảnh mai, yếu đuối nhưng lại thanh cao. Mong muốn được rửa oan khuất khi bị tước mất quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc.

          Bằng nghệ thuật khắc họa, miêu tả nội tâm nhân vật, ngôn ngữ độc thoại sinh động, sử dụng ngôn từ điêu luyện tác giả đã cho người đọc thấy được tâm trạng vật vã, đau đớn rồi ngất đi trong tiếng kêu thảng thốt, ai oán của Thúy Kiều. Đó là tâm trạng đau đớn đến cùng cực của Kiều khi phải nhường lại tình yêu của mình và Kim Trọng. Qua đó thấy được bi kịch mà người phụ nữ xưa phải chịu rất nghiệt ngã. Thời gian trôi qua đã hàng trăm năm nhưng đoạnn trích Trao duyên nói riêng và kiệt tác Truyện Kiều nói chung vẫn còn nguyên giá trị bởi tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao.