Phân tích 8 câu cuối Trao duyên ( trích Truyện Kiều) - Nguyễn Du
Trao duyên là một trong những đoạn trích cảm động, đau thương nhất trong kiệt tác Truyện Kiều, ở đó Nguyễn Du đã thể hiện khả năng nắm bắt tâm lí nhân vật tài tình, đồng thời cho ta thấy được bi kịch trong tình yêu, bi kịch nỗi đau về tâm hồn của Thúy Kiều khi trao duyên cho Thúy Vân, đặc biệt là 8 câu thơ cuối:
"Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!"
Trao duyên là một trong những đoạn trích cảm động, đau thương nhất trong kiệt tác Truyện Kiều, ở đó Nguyễn Du đã thể hiện khả năng nắm bắt tâm lí nhân vật tài tình, đồng thời cho ta thấy được bi kịch trong tình yêu, bi kịch nỗi đau về tâm hồn của Thúy Kiều khi trao duyên cho Thúy Vân, đặc biệt là 8 câu thơ cuối:
"Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!"
Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Quê cha ở Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, quê mẹ ở Bắc Ninh, nhưng ông lại được sinh ra ở Thăng Long nhờ đó, Nguyễn Du dễ dàng tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa. Tác giả là con của một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan to, có truyền thống làm thơ văn và say mê ca kĩ. Ông sinh ra và lớn lên trong thời kì lịch sử đầy biến động dữ dội của xã hội phong kiến. Cuộc đời đầy rẫy bi kịch, Nguyễn Du sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ở với anh trai là Nguyễn Khản. Gia đình tan tác, bản thân ông cũng đã từng lưu lạc “mười năm gió bụi” ở quê vợ Thái Bình. Nhưng chính những cơ cực, vất vả đó đã hun đúc cho ông vốn sống quý giá và sự am hiểu sâu sắc vốn văn hóa dân gian. Nguyễn Du làm quan dưới hai triều Lê và Nguyễn. Ông là vị quan thanh liêm, được nhân dân tin yêu, quý trọng. Sự nghiệp văn học của ông rất đồ sộ với những kiệt tác ở nhiều thể loại: thơ chữ Hán, Nguyễn Du có 3 tập gồm Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục. Thơ chữ Nôm, Nguyễn Du có hai kiệt tác Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh. Đoạn trích Trao duyên bắt đầu từ câu 723 đến 756 của Truyện Kiều.
Sau khi thuyết phục Thúy Vân nhận lời, trao duyên trao kỉ vật và dặn dò em. Kiều đang sống mà cảm thấy như mình đã chết, đang nói với em mình mà không biết đang nói với ai, Kiều rơi vào trạng thái độc thoại nội tâm. Nỗi bất hạnh hiện lên thật rõ khiến Kiều rơi vào cảm giác vô cùng tuyệt vọng:
“Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”
"Trâm gãy gương tan" gợi sự đổ vỡ của tình yêu cũng như cõi lòng tan nát của Thúy Kiều. Việc sử dụng hình ảnh ước lệ đạt hiệu quả cao, thông qua hình ảnh ấy tác giả đã cho thấy sự nhận thức sâu sắc của nàng Kiều về bi kịch hiện tại. Những ngày tháng trong quá khứ Kiều đã rất hạnh phúc với Kim Trọng - mối tình đầu đẹp như hoa như mộng, giờ đây chỉ còn lại những đau đớn không nói thành lời. “Trâm” và “gương” là hai hình ảnh vốn tượng trưng cho sự đẹp đẽ của người con gái đến tuổi để ý nhan sắc của bản thân. Những gì Kiều trân trọng bấy lâu, nâng niu từng tí một để mong có một ngày ở bên Kim Trọng mãi mãi vậy mà chỉ trong phút chốc tất cả những mong ước, hi vọng đã vỡ tan tành. Kiều đã nhận của chàng Kim "muôn vàn ái ân” nhiều đến nỗi “kể làm sao xiết” vậy mà giờ đây lại thất hứa, Kiều nghẹn ngào, cay đắng, xót xa cho thân phận của mình. Nguyễn Du đã mở ra hai chiều thời gian hiện tại và quá khứ. Quá khứ thì “muôn vàn ái ân” đầy hạnh phúc trong khi ấy hiện tại thì đầy đau khổ, lỡ làng và bạc bẽo. Sự đối lập nhấn mạnh, khắc sâu bi kịch, nỗi đau của Kiều, càng nuối tiếc quá khứ đẹp đẽ bao nhiêu thì thực tại càng bẽ bàng, hụt hẫng bấy nhiêu.
Mọi chuyện bây giờ đã lỡ, Kiều không thể làm cho mọi thứ trở về bình yên như xưa cũ mà chỉ tìm cách động viên, an ủi bản thân mình cũng như người yêu:
"Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!”
Lời nhận tội của nàng thật đáng thương, tội nghiệp. Trăm nghìn cái lạy cho "tình quân" - người đã cùng nàng trải qua bao kỷ niệm tình yêu thiết tha, nồng nàn, say đắm, đã cùng nhau thề nguyền trăm năm bên nhau vậy mà cuối cùng nàng lại phản bội. Trước đó nàng đã “lạy” em của mình để cầu xin em nối duyên với chàng. Nhưng cái "lạy" lần này là cái lạy mang ơn, là cái lạy tạ tội vô cùng thống thiết. Trong tình cảnh này, Kiều vẫn không thể làm gì hơn ngoài sự tạ tội. Và cái lạy đó đối với Kiều đã kết thúc mối tình đầu ngắn ngủi, đầy tiếc nuối. “Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi” Kiều thốt lên sao mà thấm đượm vị chua chát, cay đắng của sự chia ly. Đến đây, Kiều mới thấm thía nỗi cô đơn và số phận của mình giữa cõi đời bất công. Kiều cất lên lời oán trách sự vô tình, khắc nghiệt của cuộc đời, than thở cho số phận éo le, bạc bẽo của mình không thể giữ nổi hạnh phúc:
"Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng"
"Phận bạc như vôi" là số phận hẩm hiu, bạc bẽo. Đó là lời oán trách, lời than oán số phận của Kiều mà không ai có thể thấu hết được, là một lời than oán cay đắng, tuyệt vọng. Rồi đây số phận của Kiều sẽ trôi dạt như bông hoa đẹp đẽ đã “đành trôi” trên dòng nước dơ bẩn, nhơ nhớp chảy cuốn xiết, lỡ làng, không thể nào cứu vãn được nữa. “Nước chảy hoa trôi” là cảnh xuân đã hết, hoa rụng, tuyết tan, nghĩa là tuổi thanh xuân trinh trắng của Kiều đã chấm dứt từ đây. Trước khi thán oan, nàng chấp nhận cho thân nát để đền cho người bạn tình chung thuỷ vì đã phản bội lời thề nguyền. Cuộc đời quá cay đắng hay xã hội quá bất công, tàn nhẫn với con người tài sắc vẹn toàn như Thuý Kiều. Đành rằng cuộc đời “nước chảy hoa trôi” nhưng cũng có giới hạn thôi chứ sao mà bi đát quá, phũ phàng quá. Kiều quên đi nỗi đau của mình mà nghĩ nhiều đến người khác, đó chính là đức hy sinh cao quý. Chính Kiều là người nhận thức được rõ nhất về cuộc đời mình, vì thế nỗi đau càng thêm xót xa.
Trong đỉnh điểm của nỗi đau riêng đang cào xé trong tim mình, Kiều lại nghĩ đến chàng Kim. Tên Kim Trọng vang lên lúc này như một tiếng kêu đáng thương của một người đang chới với trước bờ vực thẳm của đời mình:
"Ơi Kim Lang! Hỡi Kim Lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây"
Nhịp thơ 3/3, 2/4/2 vừa da diết vừa nghẹn ngào như những tiếng nấc không thành tiếng. Thán từ “Ôi, hỡi” là những tiếng kêu đau đớn, tuyệt vọng của Kiều. Hai lần nhắc đến Kim Lang cho thấy sự tức tưởi, nghẹn ngào, đau đớn đến mê sảng. Sự đau đớn của Kiều được đẩy lên đỉnh điểm, tình cảm bây giờ lấn át cả lí trí. Nàng không thể nghĩ được gì nữa chỉ biết kêu tên người yêu trong nỗi đau đớn đến cùng cực. Sự thật làm cho Thuý Kiều kêu lên thống thiết “thôi thôi” một cách vật vã, đớn đau đứt từng đoạn ruột. Điều đó cho ta thấy được tình cảm của Thuý Kiều dành cho Kim Trọng vô cùng lớn, vô cùng sâu đậm, chung thuỷ sắc son.
Bằng nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật, sử dụng các từ ngữ tinh tế, đắt giá, các thành ngữ giàu sức gợi cùng với việc sử dụng các thủ pháp ẩn dụ, so sánh, liệt kê, đối lập Nguyễn Du đã thể hiện rất thành công số phận bi kịch, nội tâm rối bời, tâm trạng đau khổ, cay đắng, xót xa và tuyệt vọng trong cuộc trao duyên của Thúy Kiều. Bằng tài năng của mình tác giả đã làm cho đoạn “Trao duyên” trở thành đoạn thơ bi đát nhất trong Truyện Kiều, đó cũng là lý do Truyện Kiều vẫn còn nguyên giá trị dù đã trải qua khoảng thời gian rất lâu rồi.