Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận
Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ Mới, thơ ông có một bản sắc và giọng điệu riêng, có chiều sâu xã hội cũng như triết lí. Thơ Huy Cận mang một nỗi buồn sâu lắng, miên man, ảo não và thảm đạm; nỗi buồn của "đêm mưa", của "người lữ thứ", nỗi buồn của "quán chật đèo cao", của "trời rộng sông dài". Tràng Giang là một bài thơ nổi tiếng của Huy Cận, sáng tác vào năm 1939, đăng lần đầu trên báo Ngày nay, sau đó in vào tập thơ Lửa thiêng. Bài thơ mang phong vị Đường thi khá rõ. Đây là bài thơ được cảnh sông nước mênh mông của sông Hồng gợi tứ. Huy Cận đã có lần tâm sự: Tôi có thú vui thường chiều chủ nhật hàng tuần đi lên vùng Chèm để ngoạn cảnh sông Hồng và Hồ Tây. Phong cảnh sông nước đẹp, gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Tuy nhiên bài thơ không chỉ so sông Hồng gợi cảm mà còn mang cảm xúc chung về những dòng sông khác của quê hương".
Phần thân bài hướng dẫn Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận
Lời đề từ của bài Tràng Giang là Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài, một câu thơ thẻ hiện âm điệu chủ đạo của lời đề từ là sự nhẹ nhàng, buồn man mác, buồn len lỏi vào tâm hồn của con người. Đó là nổi sầu vạn kỉ thấm sâu vào trong mạch cảm xúc của bài thơ này mà Lê Di viết: Là Tràng Giang khổ nào cũng dập dềnh sóng nước. Là Huy Cận khổ nào cũng lặng lẽ u sầu. Nỗi sầu buồn mênh mang bao trùm cả không gian, thời gian thấm tỏa vào cả linh hồn tạo vật. Lời đề từ còn thể hiện rõ âm điệu, xúc cảm của bài thơ. Tràng Giang là bài thơ có âm điệu buồn, có sự hài hòa giữa cảnh và tình. Đồng thời lời đề từ còn thể hiện tình yêu quê hương đất nước thầm kín trong tâm hồn Huy Cận nói riêng, của một thời đại trong thi ca nói chung.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Bài thơ mở đầu bằng một hình ảnh sông nước mênh mông " Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp". Tràng giang dài rộng dang trải ra từng đợt sóng điệp điệp không dứt. Động từ "gợn" diễn tả làn sóng nhẹ nhàng có vẻ mong manh, mơ màng nhưng lại lan mãi không thôi. Nó gợi được một nỗi buồn da diết khôn tả của thi nhân. Và để làm rõ được cảm giác ấy, tác giả lại viết "buồn điệp điệp". Điệp điệp là một từ láy gợi hình, gợi cảm, vừa là hình ảnh vừa là tâm tư. Nó vừa gợi được làn sóng chồng chất, tầng tầng lớp lớp, vừa diễn tả nỗi sầu điệp điệp. Với tấm lòng tâm tư ngắm nhìn cảnh ấy, nhà thơ cảm thấy nỗi buồn của mình đang trải ra từng đợt điệp điệp. Nghệ thuật ẩn dụ đã khiến sóng sông hòa với sóng lòng, những gợi sóng trên sông triền miên, vô tận như hữu tình hóa những gợn buồn trong người, nhẹ nhàng mà mênh mang không dứt. Nhà thơ tìm ra cái tĩnh trong cái tưởng như rất động, thể hiện một hồn thơ hay thiên về cái tĩnh lặng. Con sóng gợn trong con mắt đầy xúc động của thi nhân dường như cứ lan toả đến vô cùng. Vì vậy, ngay từ câu thơ đầu tiên, nhà thơ đã chứng tỏ mình đi theo một phong cách thơ khác so với phong cách thơ cổ điển, đó là sự xuất hiện chữ “buồn” ngay ở đầu bài – “buồn điệp điệp”. Nỗi buồn mang hình ảnh của sóng gợn, mượn hình ảnh của sóng để hiện ra trước con người. Như thế, “Tràng giang” rất sớm trở thành một dòng sông tâm trạng, vừa là hình ảnh của ngoại giới, lại vừa là hình ảnh của tâm giới.
Nhà thơ thường ẩn sau cái mênh mong của sông nước, không như các nhà thơ Mới thường thể hiện cái tôi của mình. Nhưng nếu các thi nhân xưa tìm đến thiên nhiên để mong hòa nhập, giao cảm thì Huy Cận lại tìm về thiên nhiên để thể hiện nỗi ưu tư, buồn bã về kiếp người cô đơn, nhỏ bé trước vũ trụ bao la.
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Hình ảnh nước không phải thuyền trôi trên dòng nước mà là “thuyền về, nước lại”. Mỗi sự vật đi kèm với một động từ, tạo nên cảm giác về sự chuyển động trái chiều. Ta cảm tưởng rằng thuyền về, con nước lại và một khoảng trống sẽ được mở ra, một khoảng trống về một mối sầu lan toả, không chỉ được mở ra trên hai chiều trái ngược nhau mà là mọi chiều trong không gian – “ sầu trăm ngả”. Từ xưa tới nay, thuyền và nước la hai hình ảnh luôn luôn gắn bó. Vậy mà ở đây, con thuyền lênh đênh mà dòng nước mênh mông như có một nỗi buồn chia li, xa cách. Những con thuyền đã về hết, chỉ còn dòng sông mênh mang sóng nước. Vì thế, cảnh dễ gợi nỗi "sầu trăm ngả". Tuy nhiên, không có câu thơ nào trong khổ này lại khiến Huy Cận phải trăn trở nhiều hơn, tâm đắc nhiều hơn là câu thơ thứ tư:
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Giữa con sông mênh mông mang nặng dòng nước sầu buồn chia li, trăm ngả gợi lên sự chia lìa cách biệt ấy hiện lên "củi một cành khô lạc mấy dòng" trôi lạc lõng, bơ vơ, không biết rồi sẽ đi về đâu trong dòng sông mông lung vô định. Điều rất lạ là câu thơ tâm huyết này của Huy Cận lại bắt đầu bằng một chữ tưởng như không hàm chứa một lượng thơ ca nào, chữ “củi”. Chữ ấy lại được nhà thơ nhấn mạnh qua một phép đảo từ “ củi một cành khô ”. Nhưng phải là chữ “củi” và phải là phép đảo từ thì nhà thơ mới có thể nói ra tận cùng một quan niệm, một triết lý nhân sinh. . Hình ảnh “củi” không chỉ nói về một thanh gỗ đã chết mà còn thực sự toát lên vẻ tầm thường. Chữ “một” gợi lên số ít, chữ “cành” làm nên cảm giác nhỏ bé. Và như thế, con người dường như đang lạc lối, ngơ ngác trước những dòng nước của con sông lớn ở trong hiện thực, cũng là trước con sông của nỗi buồn ở lòng người. Nỗi buồn về sự nhỏ nhoi, cô đơn của một kiếp người, khác hoàn toàn với nỗi buồn của Xuân Diệu trong “Đây mùa thu tới “.
Đến khổ thơ thứ hai thì không gian đã không còn chỉ giới hạn trong phạm vi một mặt sông, tác giả đã đi sâu vào việc miêu tả chi tiết nỗi buồn, cái buồn giờ không còn lang thang vô định trên sông nữa mà đã tấp vào một cồn đất nhỏ.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót,
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Bức tranh “Tràng giang” giờ đây đã có thêm hình ảnh những chiếc “cồn” của những làng xóm ở bên sông. Vì thế hai câu thơ đầu phảng phất cảm giác man mác, nhẹ nhàng mà sâu kín về một quê hương. Không thể không chú ý rằng Huy Cận muốn những chiếc cồn trong thơ phải là “cồn nhỏ” và phải thưa thớt, lơ thơ. Gió thì “đìu hiu” càng làm cho dòng tràng giang thêm tĩnh lặng. Và Huy Cận cũng học được những chữ này trong thơ nổi tiếng của Đoàn Thị Điểm:
Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.
Một ngọn gió thổi đìu hiu ở nơi đã từng là bãi chiến trường đẫm máu, mối liên tưởng ấy làm ngọn gió trên sông của nhà thơ lại càng thêm buồn bã, hắt hiu. Câu thơ thứ ba đã vẳng lên âm thanh của sự sống, nhưng âm thanh ấy cũng nhỏ nhoi, yếu ớt, cô quạnh.
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Đâu đó còn âm thanh xa xôi, không rõ rệt, có thể là câu hỏi đâu như một nỗi niềm khao khát, mong mỏi của nhà thơ về một sự hoạt động, âm thanh của sự sống con người. Đó cũng có thể là đâu có, một sự phủ định hoàn toàn, chung quanh đây chẳng hề có chút gì sống động để xua bớt đi cái tịch liêu của thiên nhiên. Cảm giác đến với nhà thơ và người đọc thơ thông qua một giác quan mơ hồ – thính giác, mà không phải qua hình ảnh. Sự mơ hồ ấy lại được nhân lên qua chữ “đâu” ở đầu câu, càng khiến cho âm thanh ấy như có như không, như hư như thực. Nhưng thực nhất vẫn chỉ là sự im lặng bao trùm lên dòng chảy tràng giang. Bức tranh "Tràng giang" tuy có cồn đất, có nắng, có bến, có làng, có chợ nghĩa là có hơi tiếng con người đấy nhưng vẫn không át được cái cảm giác tàn tạ, hiu hắt, quạnh vắng. Bởi không có gì buồn bằng cái chợ chiều tan tác. Đến câu thơ thứ ba thì không gian được mở ra theo một chiều khác, chiều cao qua hình ảnh của nắng và bầu trời:
Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót.
Hai hình ảnh ấy cũng được đặt trong những chuyển động trái chiều – “lên” và “xuống”, trong cảm giác về một sự chia rẽ. Nắng xuống và trời lên, để lại một khoảng trống thăm thẳm mở ra, làm nên cảm giác mà Huy Cận đã diễn tả bằng một sự kết hợp từ độc đáo – “ sâu chót vót ”. Cụm từ này tạo cảm giác thăm thẳm về bầu trời và mặt nước. " Sâu chót vót" chứ không phải cao chót vót. Đôi mắt nhà thơ không chỉ dừng lại bên ngoài của trời, của nắng, mà như xuyên thấu vào cả vũ trụ, cả không gian bao la, vô tận. Và khổ thơ thứ hai của bài thơ được khép lại trong một câu thơ gần nhất với câu đề từ khi ở đây lại xuất hiện hình ảnh của “sông dài, trời rộng”.
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Nhưng bên cạnh hình ảnh ấy, Huy Cận đã đặt bên cạnh một hình ảnh “bến cô liêu”. Bến ấy cũng đại diện cho con người, cho sự sống vì sông sẽ không có nơi nào là bến nếu không có sinh hoạt của con người nơi bến ấy. Vì vậy hình ảnh “bến cô liêu” với âm hưởng man mác của hai chữ “cô liêu” ấy, một lần nữa lại gợi ra một nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn về sự sống quá nhỏ nhoi, rất hữu hạn trong thiên nhiên, mà vụ trụ thì cứ mở ra mãi đến vô tận, vô cùng.
Chúng ta bắt gặp một sự biến chuyển ở đầu khổ ba:
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng,
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Hình như có cái gì đông đúc hơn lên, sự chuyển động dường như cũng đã nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Chúng ta nhận ra điều ấy qua từ “dạt” ngay ở câu thơ đầu tiên. Cảm giác đông đúc cũng thể hiện khá rõ trong ba chữ “hàng nối hàng”. Nhưng sự đông đúc ở đây lại chỉ là của những cánh bèo, hình ảnh từ lâu đã tượng trưng cho những kiếp phù sinh, cho cuộc sống không ý nghĩa. Hình ảnh “bèo dạt” ấy cũng đã từ lâu dùng để nói về số phận của những kiếp người không có khả năng tự làm chủ cuộc đời mình. Nhưng câu thơ thứ nhất không chỉ là hình ảnh của những kiếp người vô định mà từng hàng bèo trôi dạt ấy dường như còn để tăng thêm cảm giác trống không ở những câu sau. Bởi người đọc sẽ có cảm tưởng khi bèo đã dạt hết rồi, nhìn lại mặt tràng giang, con người sẽ cảm thấy hoàn toàn trơ trọi với những chữ “không” nối tiếp nhau cứ dội lên mãi trong câu thứ hai và thứ ba:
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật.
Tác giả đưa ra cấu trúc phủ định "không...không..." để phủ định hoàn toàn những kết nối của con người. Chiếc cầu, con đò bắc nối đôi bờ là biểu tượng sự giao nối của con người với cuộc sống, thường gợi về sự tấp nập, gần gũi và gợi nhớ quê hương: Chiếc cầu là đêm trăng to hò hẹn; Quê hương là cầu tre nhỏ;...là sự sống. Nhưng ở đây "không một chuyến đò" lạc qua, không một chiếc cầu bắc nối đôi bờ, nghĩa là tuyệt nhiên không một dấu vết của sự sống hay một cái gì đó gợi về tình người, lòng nước muốn gặp gỡ lại qua đôi bờ hoang vắng. Hai bờ sông cứ thế chảy về phía chân trời xa như hai thế giới cô đơn, xa lạ không bao giờ gặp nhau, không chút niềm thân mật của những tâm hồn đồng điệu. Cảm giác của nhà thơ lại trở về với chiều dài và chiều rộng trong câu đề từ, khi nhà thơ viết câu thơ cuối: "Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng" . Cảm giác về “không” gặp lại ở “lặng lẽ”, không hình, không cả tiếng. Câu thơ gợi cho người đọc cảm nhận về dòng chảy qua hết bờ xanh lại đến bãi vàng, nhưng tuyệt đối âm thầm. Chúng ta lại nhận ra thêm ở đây một nỗi buồn sông nước.