Nỗi buồn lan toả từ không gian thiên nhiên đến không gian tâm tưởng trong Tràng giang- Huy Cận
Phong trào thơ Mới đã đi qua, để lại cho nền văn học Việt Nam biết bao nhiêu tác phẩm có giá trị. Tràng giang của Huy Cận lại mang một phong cách riêng, hơi thở riêng, độc đáo trong giai đoạn này. Chính vì thế linh hồn bài thơ như dòng mạch ngầm chảy mãi cho đến tận bây giờ và nhiều đời sau. Nói đến thơ Huy Cận là nói đến những nỗi buồn sâu lắng, miên man, ảo não và thảm đạm; nỗi buồn của "đêm mưa", của "người lữ thứ", nỗi buồn của "quán chật đèo cao", của "trời rộng sông dài". Trong bài thơ Tràng giang, Huy Cận đã sử dụng những từ nào để nói về nỗi buồn? Và nỗi buồn đó là nỗi buồn cá nhân, buồn của thế hệ hay nỗi buồn của dân tộc?
Phần thân bài Nỗi buồn lan toả từ không gian thiên nhiên đến không gian tâm tưởng trong Tràng giang- Huy Cận
Nhiều nhà thơ khi viết về nỗi buồn thường là những nỗi buồn mỏng manh, man mác nhưng với Huy cận thì đó là "lớp lớp nỗi buồn". Thiên nhiên, cảnh vật, tạo vật qua tâm hồn tác giả buồn nhưng cũng có khi bộc lộ một nét đẹp kì vĩ, nên thơ. Mây trắng hết lớp này đến lớp khác như những búp bông trắng khổng lồ cứ liên tiếp mở ra, ánh trời chiều chiếu vào trông như quả núi dát bạc trong nền trời trong xanh khiến cho ánh chiều trước khi vụt tắt ánh lên vẻ đẹp. Câu thơ dựng lên được một hình ảnh rất tạo hình như một bức tranh sơn mài. Đằng sau bức tranh thiên nhiên hùng vĩ của "lớp lớp mây cao đùn núi bạc" lại là nỗi lòng thi nhân. Từ "buồn điệp điệp", "sầu trăm ngã" ở những khổ thơ phía trên, đến đây nỗi sầu thi sĩ đã dâng lên trùng trùng, "lớp lớp" tràn ngập cả bầu trời. Từ "lớp lớp" diễn tả nhiều lớp kế tiếp nhau, lớp nọ liền lớp kia đều đặn không dứt. "Đùn" diễn tả những đám mây và cũng là nỗi sầu tự mở ra, liên tiếp như có một sức đẩy từ bên trong. Đúng là "sầu đong càng lắc càng đầy". Câu thơ Huy Cận làm ta liên tưởng tới "Mặt đất mây đùn cửa ải xa" trong Thu hứng.
Trên cảnh mây trời, sông nước buồn vắng, bao la nhưng đẹp đẽ, hùng vĩ, nên thơ ấy, đột nhiên xuất hiện con chim "nghiêng cánh" bay như hút nắng hoàng hôn cùng "bóng chiều sa" xuống nhanh quá, nắng quá làm lệch cả cánh chim lấp lánh phía trời xa. Cánh chim trong thơ Huy Cận xuất hiện giữa "lớp lớp mây cao đùn núi bạc". Đúng là cánh chim trong Thơ Mới. Nó nhỏ nhoi, bé bỏng cô đơn, buồn thương, tội nghiệp và mông lung hơn trước cảnh sông nước và mây trời bao la. Cánh chim nhỏ biểu hiện của sự sống, khát vọng, ước mơ bay liệng tuy có gợi lên một chút ấm cúng cho cảnh vật nhưng vẫn không vơi được nỗi buồn của thi nhân. Bởi cánh chim chiều trong thơ Huy Cận có nét đặc sắc riêng của nó. Nghệ thuật đối lập giữa cánh chim nhỏ bé và vũ trụ bao la làm cho không gian như bát ngát hơn và qua đó cũng xa vắng buồn bã hơn.
Từ nỗi buồn thiên nhiên dâng lên nỗi buồn nhớ quê hương da diết của người thi sĩ. Đến mấy câu thơ cuối, nỗi sầu dâng kín Tràng giang và từ trời cao đổ xuống cánh chim yếu ớt rồi thấm sâu vào cõi lòng nhân thế:
"Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"
"Dợn dợn vời con nước" vừa là hình ảnh vừa là tâm trạng. Nó vừa diễn tả sóng lan ra vừa gợi cảm giác nỗi buồn lạnh lẽo u uẩn trải ra vời vợi không nơi bám víu. Sông vốn dài rộng càng thêm rộng mênh mông lại gặp lúc hoàng hôn đang xuống gợi nỗi buồn cô đơn da diết. Bài thơ này là một bài thơ mang đậm ý vị cổ điển. Cổ điển ở hình ảnh con người một mình đứng trước không gian trời rộng sông dài, trước thời gian buồn chiều tà lặng lẽ. Nỗi buồn của nhà thơ trong chiều sâu thẳm của nó cũng có nguyên nhân rất cụ thể. Đó là nỗi buồn của người xa quê chạnh lòng nhớ tới quê hương xứ sở. Câu thơ cuối của bài thơ khẳng định điều đó "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà". Người xưa nhìn khói sóng mơ màng trên sông lúc chiều tà mà nhớ nhà đã đành. Còn Huy Cận không cần "khói hoàng hôn" gợi về một bếp lửa có người thân đang quây quần mà vẫn nhớ nhà da diết. Niềm thương nhớ quê hương của nhà thơ còn mãnh liệt và sâu sắc, cao độ hơn thành một tình cảm thường trực và tự nó tuôn trào từ trái tim người nghệ sĩ, sông càng vời rộng càng buồn nhớ quê hương da diết, cháy bỏng vì quê hương không chỉ là một làng quê thân thương nào đó mà nó còn là bến đậu của tâm hồn, là cội nguồn đời sống tinh thần, xấy đắp trên nền tảng của một đời người.
Bức tranh thiên nhiên ở bài thơ vừa có sự vận động vừa hữu hình vừa vô hình, thời gian, không gian phụ họa, hòa điệu với nhau khiến cảnh vật càng lúc càng âm u, xa vắng, xúc cảm càng nặng nề. Nỗi buồn trĩu nặng trong tâm hồn, nhà thơ thấy mình bơ vơ lạc lõng, nhỏ nhoi giữa đất trời, cảnh vật. Sống giữa quê hương mà vẫn nhớ quê hương. Đó là nỗi sầu của người dân thuộc địa bị mất chủ quyền. Nỗi buồn ấy hòa vào cảnh vật vô biên hoang vắng tạo nên một nỗi buồn mênh mang thấm thía. Từ đó, ta thấy được tấm lòng tha thiết với cảnh vật thiên nhiên và tình yêu đất nước thầm kín của tác giả.