Phân tích thân phận và con đường đến với hạnh phúc của Tấm trong truyện Tấm Cám

Trung bình: 0
Đánh giá: 0
Bạn đánh giá: Chưa

        Tấm Cám là truyện cổ tích thuộc kiểu truyện về người mồ côi, có mang yếu tố thần kì. Truyện phản ánh số phận của cô gái hiền lành, chăm chỉ, mồ côi bất hạnh cùng mơ ước đổi đời và công lí xã hội của người lao động. Số phận của nhân vật trung tâm là cô Tấm gắn liền với cuộc đấu tranh chống lại cái ác qua hai chặng đấu tranh: người con mồ côi bị ức hiếp và sau khi trở thành vợ vua. Dù bị đè nén, chèn ép nhưng Tấm vẫn mạnh mẽ để đi trên con đường tìm kiếm hạnh phúc riêng cho mình. 


        Tấm Cám là truyện cổ tích thuộc kiểu truyện về người mồ côi, có mang yếu tố thần kì. Truyện phản ánh số phận của cô gái hiền lành, chăm chỉ, mồ côi bất hạnh cùng mơ ước đổi đời và công lí xã hội của người lao động. Số phận của nhân vật trung tâm là cô Tấm gắn liền với cuộc đấu tranh chống lại cái ác qua hai chặng đấu tranh: người con mồ côi bị ức hiếp và sau khi trở thành vợ vua. Dù bị đè nén, chèn ép nhưng Tấm vẫn mạnh mẽ để đi trên con đường tìm kiếm hạnh phúc riêng cho mình. 

          Qua những lời kể, những trang truyện mà độc giả đã được đọc chắc hẳn ai cũng thấy được Tấm hiện lên với thân phận bất hạnh. Đó là một cô gái mồ côi mẹ, sau đó cha cũng qua đời, Tấm sống chung với dì ghẻ và Cám, cô Tấm đã phải trải qua rất nhiều đắng cay, khổ cực khi sống chung với mẹ con độc ác đó. Thân phận của Tấm được đặt  trong mối quan hệ "dì ghẻ - con chồng". Ông cha ta đã từng nói:

"Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng"

     Câu ca trên đã thể hiện được rất rõ mâu thuẫn giữa mối quan hệ "mẹ ghẻ - con chồng" tồn tại trong xã hội lúc bấy giờ. Chính vì vậy, trong khi Cám được tận hưởng những điều tốt đẹp, nhận được sự yêu thương, chiều chuộng của mẹ thì Tấm phải chịu đựng sự cay nghiệt, ghẻ lạnh của người dì. Tấm phải làm việc quần quật suốt ngày đêm, bị bóc lột về thể xác cũng như tinh thần. Vì không muốn cho Tấm đi dự hội, dì ghẻ đã bày mưu trộn lẫn thóc và gạo bắt Tấm ngồi tách riêng cho xong rồi mới được đi. Khi thấy Tấm ngày ngày chăm sóc cá Bống như một niềm an ủi, mẹ con Cám đã lừa Tấm đi chăn trâu thật xa để giết chết cá Bống. Hơn thế nữa, mẹ con Cám đã nhẫn tâm chặt đứt cây cau, cướp đi sinh mạng của Tấm để đạt được tham vọng xấu xa của bản thân.  

     Nhưng rồi ở hiền sẽ gặp lành, cuối cùng Tấm đã giành lại và bảo vệ được hạnh phúc của riêng mình. Trước hết, hạnh phúc đến với Tấm là bởi sự lương thiện, chăm chỉ nên được Bụt giúp đỡ. Khi bị mẹ con Cám hành hạ, Tấm chỉ biết ôm mặt khóc nức nở, thể hiện sự yếu đuối trước những điều xấu xa, độc ác. Những lúc như vậy, ông Bụt đột nhiên hiện ra, đem theo phép màu giúp đỡ cô gái mồ côi hiền lành, bất hạnh như gọi đàn chim sẻ xuống giúp đỡ và ban cho Tấm những món quà tốt đẹp như quần áo, ngựa để đi dự hội,...Sau đó, Tấm đã mạnh mẽ vùng dậy đấu tranh đòi lại hạnh phúc của cá nhân bằng sự chủ động qua những lần hóa thân. Tấm lần lượt hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị. Cô Tấm ngày nào chỉ biết "bưng mặt khóc nức nở" với sự cam chịu và đợi sự giúp đỡ từ Bụt nay đã mạnh mẽ vùng lên vạch tội trạng của những người hãm hại mình. Khi hóa thân thành con chim vàng anh, Tấm hót:

"Giặt áo chồng tao
Phơi lao phơi sào
Chớ phơi bờ rào
Rách áo chồng tao"

     Những câu ca trên thể hiện được Tấm đã ý thức được việc hạnh phúc của bản thân bị tước đoạt. Và rồi khi bị hãm hại thêm hai lần nữa, khi hóa thân thành chiếc khung cửi, Tấm mạnh mẽ tuyên bố rằng: "Lấy tranh chồng chị - Chị khoét mắt ra". Cuối cùng, Tấm đã trở về hình dạng con người một cách vẹn nguyên và tận hưởng hạnh phúc của chính mình một cách xứng đáng. Mặc dù những lần hóa thân còn mang đậm yếu tố kì ảo nhưng qua đó, chúng ta thấy được sức sống tiềm tàng đang trỗi dậy. 

     Qua mối quan hệ giữa thân phận bất hạnh và con đường đến với hạnh phúc của Tấm, câu chuyện đã thể hiện những ý nghĩa bài học sâu sắc. Trước hết, nó đã thể hiện rõ ước mơ của nhân dân ta về một xã hội công bằng, tốt đẹp. Đó là sự kiến thiết, hiện thực hóa giấc mơ của nhân dân lao động về sự chiến thắng của cái thiện trước cái xấu, cái ác. Đồng thời, kết thúc có hậu của câu chuyện còn thể hiện rõ đặc trưng tư duy của thể loại cổ tích về quan điểm "Ở hiền gặp lành", "Gieo gió gặt bão".

          Trải qua một thời gian dài, thời đại của những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích đã lùi xa nhưng những bài học giáo dục mà nó thể hiện vẫn vẹn nguyên giá trị. Tuy trang truyện đã được gấp lại nhưng hành trình đến với hạnh phúc của cô Tấm từ cam chịu đến chủ động đứng lên đấu tranh vẫn hiện hiện trước mắt người đọc hấp dẫn biết bao thế hệ, đồng thời để lại những ý nghĩa vô cùng sâu sắc.