Cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương ở vùng thượng nguồn / Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường
Thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ văn từ xưa đến nay bởi nó mang một nét độc đáo vừa xa lạ vừa rất đỗi quen thuộc. Các thi nhân, văn nhân thời trung đại hướng tâm hồn mình tới mây, tuyết, nguyệt, cầm, kì, thi, tửu- những thú vui tao nhã ở đời. Còn các tác giả ở hiện đại thì luôn hướng ngòi bút của mình tới những cảnh sắc của thiên nhiên đất nước. Và sông nước cũng là một trong những cảnh thiên nhiên tươi đẹp ấy. Dòng sông với dòng nước êm đềm xuôi chảy, với lịch sử hình thành cũng như những đặc điểm độc đáo về địa lý đã khơi gợi trong lòng tác giả những cảm xúc dạt dào nhất khiến họ phải cầm bút và sáng tạo nghệ thuật. Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một tác phẩm như thế. Tác phẩm ra đời từ chính sự thôi thúc trước cái đẹp của nhà văn.
Phần thân bài Cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương ở vùng thượng nguồn / Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người con của mảnh đất Quảng Trị đầy gió Lào cát trắng, nhưng cuộc đời của ông lại gắn bó sâu sắc với xứ Huế mộng mơ. Ông có vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực nhất là lịch sử, địa lí, văn hóa. Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn chuyên về thể loại bút kí. Nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và trữ tình với những liên tưởng mạnh mẽ và một lối hành văn mê đắm, tài hoa. Ai đã đặt tên cho dòng sông được viết năm 1981 bằng tình yêu, sự gắn bó hơn nửa cuộc đời với mảnh đất, cảnh vật, con người xứ Huế. Tác phẩm được in trong tập bút kí cùng tên năm 1986.
Đặt dòng sông trong mối quan hệ với dãy Trường Sơn, nhà văn đã thể hiện cảm hứng khám phá, cắt nghĩa và lí giải cùng cái nhìn sâu sắc về cội nguồn. Ở thượng nguồn sông Hương được ví như "bản trường ca của rừng già", chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà văn lại dành cho sông Hương một tên gọi như vậy. Ở nơi khởi nguồn của dòng chảy, gắn với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ con sông toát lên vẻ đẹp của sức sông mãnh liệt vừa hùng tráng vừa trữ tình như bản trường ca bất tận của thiên nhiên "rầm rộ giữa bóng cây đaị ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộc xoáy như cơn lốc vào những đáy vức bí ẩn và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". Hình ảnh so sánh về bản trường ca của rừng già khiến sông Hương hiện ra với cả chiều dài hùng vĩ và dòng chảy mãnh liệt trong sự ngưỡng mộ và niềm say mê của nhà văn bởi trường ca là áng văn chương có dung lượng lớn thường mang đậm cảm hứng ngợi ca, còn rừng già là hình ảnh những cánh rừng đại ngàn hoang sơ, bí ẩn-hình ảnh mang đến sắc thái hoang dại cho dòng sông nơi đầu nguồn. Câu văn dài, chia làm nhiều vế liên tục như gợi dậy cái dư vang của trường ca. Thủ pháp điệp cấu trúc với những động từ mạnh tự nó đã tạo nên âm hưởng hùng tráng, mạnh mẽ của con sông giữa rừng già. Dòng sông với những lớp sóng hung hãn cuộn trào cùng sự tiếp sức của thác ghềnh, sóng gió, những xoáy hút dữ dội tiềm ẩn nổi kinh hoàng của vực sâu, những miên man da diết của cỏ cây hoa lá nơi rừng đại ngàn, do đó sông Hương vừa tràn đầy sức mạnh hoang sơ, man dại, vừa ngời sáng vẻ đẹp rực rỡ, kiêu sa, lại vừa khơi gợi những say mê, bí ẩn...
Nhà văn còn nhân cách hóa Sông Hương như cô gái Digan phóng khoáng và man dại. Đây là một liên tưởng thú vị và dộc đáo. Những cô gái Bôhêmiêng thích sống lang thang tự do và yêu ca hát, nhảy múa có vẽ đẹp man dại và đầy quyến rũ. Ví sông Hương với những cô gái Digan, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc vào tâm trí người đọc một ấn tượng mạnh về vẻ đẹp hoang dại nhưng cũng rất tình tứ của con sông. Chưa hết, nhà văn còn nhân hóa sông Hương, khiến nó hiện lên như một con người có cá tính, tâm hồn "rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ,một tâm hồn tự do và trong sáng". Nếu tư duy nghiên cứu chủ yếu cung cấp những dữ kiện, những tri thức về dòng sông thì tư duy nghệ thuật giúp những tri thức đó trở nên mềm mại hơn.
Hơn hết, sông Hương như "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở". Không chỉ giúp cho bạn đọc có thêm một góc nhìn, một sự hiểu biết về vẽ đẹp hùng vĩ, man dại đầy chất thơ của sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn muốn đem đến một cái nhìn sâu sắc hơn, muốn ghi công sông Hương như một đấng sáng tạo đã góp phần tạo nên, gìn giữ và bảo tồn văn hóa của một vùng thiên nhiên xứa sở. Lâu nay, ta mới chỉ nhìn sông Hương ở vẽ đẹp của nó mà không biết rằng sông Hương chính là một khởi nguồn, một sự bắt đầu của không gian văn hóa. Sẽ không qua nếu cho rằng không có sông Hương thì khó có thể có văn hóa Huế ngày nay. Chính vì vậy, từng ngày từng giờ sông Hương duy trì và bồi đắp phù sa cho cả một vùng văn hóa thẩm mĩ đã được hình thành ở trên và hai bên sông. Ấy thế nhưng dòng sông không muốn bộc lộ cái công lao to lớn ấy. Nó âm thầm chảy và lặng lẽ cống hiến nhiều thế kỉ qua. Và đây là chiều sâu vẽ đẹp và nhân cách của dòng sông, là nét tính cách đáng trân trọng của Hương giang và Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn khắc họa.
Qua đó, ta thấy nhà văn lí giải sự tương phản của sông Hương ở hai khúc thượng lưu và hạ lưu không phải bởi những kiến thức địa lí đơn thuần mà còn bằng cái nhìn suy tư thấm đẫm tình yêu. Trong cái nhìn ấy, sông Hương hiện ra như một người con gái vốn mang trong mình những sức mạnh hoang dã của rừng già, nay đã tự chế ngự để nhanh chóng tạo cho mình sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ khi về với Huế - sự dịu dàng như một cái bến bình yên sau những thác ghềnh, sóng gió, sự trí tuệ sau những trải nghiệm gian truân...