Những điểm mới trong phương thức tuyển sinh 2022
Trong phương thức tuyển sinh năm 2022, các trường Đại học có sự đa dạng trong phương thức tuyển sinh, tư duy và năng lực của học sinh sẽ được đánh giá qua một cuộc thi được các trường Đại học tổ chức riêng. Nhiều trường đã đăng ký sử dụng kết quả bài thi của cuộc thi đánh giá năng lực của hai trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội như một phương thức để xét tuyển Đại học năm học 2022. Cụ thể là các trường thành viên, khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Cục nhà Nhà trường (Bộ Quốc phòng); các trường thành viên, khoa thuộc Đại học Huế; các trường, khoa thuộc Đại học Thái Nguyên; Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Thương Mại, Vinh, Công nghệ Giao thông vận tải, Tài Nguyên Môi trường, Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp; Tân Trào; Phenikaa, Hồng Đức, Học viện Tòa án, Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Lao động - Xã hội, Sư phạm Hà Nội 2, Thủ đô, Hùng Vương, Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Học viện Ngân hàng, Nông - Lâm Bắc Giang, Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Công nghiệp Việt Trì, Điện lực.
Những dạng bài thi đánh giá năng lực của các thí sinh là tư duy logic, xử lý số liệu, sử dụng ngôn ngữ, giải quyết vấn đề. Tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được nhà trường chia làm 2 đợt để tổ chức, đợt 1 dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 27-3-2022 và đợt 2 sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7-2022, các thí sinh chỉ làm một bài thi duy nhất. Nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh trong cả nước, trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh quyết định sẽ mở rộng địa điểm thi.
Về kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn còn trong quá trình chuẩn bị. Nếu đảm bảo về yêu cầu dịch tễ, thí sinh sẽ có được nhiều cơ hội tham gia thi đánh giá năng lực.
Bên cạnh việc tổ chức các kỳ thi riêng để lấy kết quả xét tuyển Đại học, nhiều trường cũng có sự thay đổi về phương thức xét tuyển, đó là giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi Tốt nghiệp THPT.
Phương thức tuyển sinh dự kiến hệ đại học chính quy năm 2022 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường sẽ dành 10 – 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy do trường trực tiếp tổ chức là 60 – 70% và 20 – 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng.
Trường Đại học Giao thông Vận tải dự kiến sẽ dành 40 - 50% chỉ tiêu cho xét tuyển bằng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, 20 - 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT, tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế là 1 - 2% và 5 - 10% xét tuyển bằng sự kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp.
Ngoài ra, nhiều trường Đại học cũng công bố bổ sung thêm các phương thức xét tuyển để tạo nhiều cơ hội cho thí sinh và làm đa dạng nguồn tuyển. Trường Đại học Thủy Lợi ngoài những phương thức xét tuyển như mọi năm là xét tuyển thẳng, xét kết quả học tập 3 năm THPT và xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì năm 2022, trường dự kiến sẽ bổ sung thêm phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, trong đó phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Về trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngoài các phương thức như xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp, trường có thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì tổ chức.
Có thể thấy được rằng, năm nay, các trường Đại học sử dụng phong phú các phương thức tuyển sinh và bổ sung thêm nhiều phương thức tuyển sinh mới như dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển. Tuy nhiên, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn luôn được đề cao và chiếm chỉ tiêu cao nhất tại các trường trong mùa tuyển sinh năm 2022.