Bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu

Trung bình: 4,22
Đánh giá: 9
Bạn đánh giá: Chưa

          “Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy", Tố Hữu đã nói như vậy! Chính những niềm thương, nỗi nhớ trào dâng trong tâm hồn đã tạo ra những rung động mãnh liệt trong cảm xúc để rồi nó cất lên thành những câu thơ đậm chất trữ tình. Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu là kết tinh của tình cảm mặn nồng giữa cán bộ cách mạng và nhân dân Việt Bắc. Tác phẩm là một khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Bài thơ được viết ra như lời hát tâm tình của một mối tình thiết tha đầy lưu luyến giữa người kháng chiến và đồng bào Việt Bắc được thể hiện qua lăng kính trữ tình – chính trị, đậm tính dân tộc và ngòi bút dạt dào cảm xúc của thi nhân. Qua hình ảnh bức tranh tứ bình người đọc có thể thấy được vẻ đẹp thiên nhiên con người trong sự hài hòa với thiên nhiên.


Phần thân bài Bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu

          Tố Hữu là một nhà thơ lớn trong những nhà thơ lớn nhất và tiêu biểu nhất của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Ông là một người chiến sĩ với tư tưởng cộng sản, một nhà thơ mang tư tưởng cách mạng. Chính vì thế Tố Hữu được xem là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng. Nhắc đến Tố Hữu là nói đến một hồn thơ trữ tình – chính trị, rất sâu sắc và đậm đà bản sắc dân tộc. Suốt cuộc đời mình, nhà thơ đã viết về lý tưởng lớn, lẽ sống lớn, niềm vui lớn, tình cảm lớn của người chí sĩ. Bài thơ Việt Bắc là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của tác giả viết về thời kì kháng chiến chống Pháp. Nó được viết nhân sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô.

Bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu
Bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu

     Nhắc đến mùa đông ta thường nghĩ đến cái rét buốt, lạnh thấu xương, cái ảm đạm của những ngày mưa phùn gió bấc, cái buồn bả của khí trời âm u. Nhưng đến với Việt Bắc trong thơ Tố Hữu thật kì lạ. Mùa đông ấm áp lạ thường:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao ánh nắng dao gài thắt lưng

     Gam màu cơ bản của bức tranh này là màu xanh, đó là màu xanh mênh mông và trầm tĩnh của rừng già. Nó gợi ra một xứ sở êm đềm, lặng lẽ, tĩnh mịch. Nhưng trên cái nền ấy là gam màu ấm nóng và tiềm ẩn một sức sống bên trong dường như để làm vơi đi sự hoang sơ, hiu hắt, lạnh giá vốn có của núi rừng. Từ xa nhìn lại, bông hoa như những bó đuốc thắp sáng tạo nên một bức tranh với đường nét màu sắc vừa đối lập, vừa hài hào, vừa cổ điển vừa hiện đại. Trên nền trời cao ánh nắng hắt xuống lưng người, chiếu vào con dao làm ánh lên một màu sáng kì diệu. Cái nắng hiếm hoi của mùa đông đã tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm tươi tắn. 

     Mùa xuân động lại trong ký ức của mỗi người ra đi là sắc trắng của hoa mơ. Mùa trắng gợi lên vẻ đẹp tinh khiết trắng ngần. Cả một cánh rừng mênh mang chỉ một màu trắng, nền xanh trầm tĩnh đã nhường chỗ cho nền trắng tinh khiết của hoa mơ rừng:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

     Hình ảnh thơ không chỉ đẹp mà còn gợi au sức sống mãnh liệt của núi rừng Việt Bắc vào xuân. Từ "trắng" được tác giả sử dụng như một động từ gợi cho người đọc cảm giác bừng sáng cả khu rừng bởi sắc trắng mơ màng, bâng khuâng, dịu mát của hoa mơ. Từ "nở" cho thấy sức sống sinh sôi, tràn trề của núi rừng mùa xuân. Màu trắng của bạt ngàn hoa mơ không chỉ làm nổi bật linh hồn của mùa xuân mà còn gợi ra tâm trạng bâng khuâng xao xác trong lòng người. Việt Bắc trong nỗi nhớ của Tố Hữu không thể thiếu được sắc hoa này.

     Mùa hè với tiếng ve kêu làm nên khúc nhạc rừng, là nhớ màu vàng của rừng phách:

Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình

     Đây là một bức tránh sơn mài được vẻ bằng hoài niệm nên lung linh ánh sáng, màu sắc và rộn rã âm thanh. Tố Hữu không chỉ có biệt tài trong việc miêu tả vẻ đẹp riêng của từng mùa mà còn có tài trong việc miêu tả sự vận động đổi thay của thời gian và cảnh vật. Tiếng "ve kêu" là âm thanh nhưng được tác giả cảm nhận bằng sắc màu vàng rực, sóng sánh đổ loang cả rừng phách. "Phách" là loại cây gỗ lim ơ rừng Việt Bắc, loại cây này nở hoa vào mùa hè, trước lúc nở hoa cả rừng cây đồng loạt thay lá chuyển từ màu xanh sang màu vàng chỉ trong vài ngày,. Từ "đổ" diễn tả sự thay đổi luân phiên về thời gian, đưa đến cảm giác ngỡ ngàng, choáng ngợp trong lòng người. Tiếng ve kêu như trút xuống, đổ xuống thúc giục ngày hè trôi nhanh, làm cho rừng phách thêm vàng diễn tả sự thay đổi nhanh chóng, bất ngờ đến ngạc nhiên, sửng sốt. Mùa hè đi qua, mùa thu lại nhớ trăng ngàn:

 Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung

     "Rọi" là động từ miêu tả nguồn ánh sáng tập trung soi chiếu xuống một điểm hẹp trong không gian. Ánh trăng lọt qua vòm cây, kẽ lá của núi rừng, trăng thanh mát rượi gợi một màu "hòa bình" nên thơ. Ánh trăng không chỉ là biểu tượng cho vẻ đẹp trong sáng, lộng lẫy của thiên nhiên mà mang theo khát vọng hòa bình của con người Việt Nam. 

      Bốn hình ảnh thơ gắn với bốn mùa đều rực rỡ màu sắc, khi rực rỡ chói chang, khi thơ mộng, dịu mát. Cảnh tượng trong bộ tứ bình lúc tươi tắn, rộn ràng, lúc lại trống vắng, hiu hắt. Xưa nay núi rừng thường gợi cảm giác hoang vu, tĩnh tại nhưng trong thơ Tố Hữu tất cả đều tràn đầy sức sống và sinh lực. Khác với trình tự bức tranh tứ bình thông thường, bốn mùa của Việt Bắc hiện ra đi từ mùa đông giá lạnh đến mùa thu hòa bình. Mùa thu là bức tranh cuối cùng, cảnh thu không chỉ tả cảnh sắc mơ mộng của thiên nhiên mà còn là mùa thu hòa bình trong hiện tại, là mùa chia li với bao vấn vương lưu luyến. 

     Đan xen một câu lục tả cảnh thì một câu bát tả con người. Như vậy, người và cảnh vật có mối quan hệ khăng khít, giao hòa. Con người được miêu tả là những con người bình thường, nhỏ bé, gắn với những công việc cụ thể nhưng rất ý nghĩa: Nhớ người đi nương, đi rẫy "dao gài thắt lưng" trong thế mạnh mẽ. Con dao của người đi nương đi rẫy phản quang "ánh nắng" rất gợi cảm. Đây là nét phác thảo đậm nét hội họa. Với con dao đi rừng lấp lánh gài ngang lưng, với vóc dáng lồng lộn trên đèo cao đầy nắng, tầm vóc con người như lớn lao, mạnh mẽ, rắn rỏi hơn núi rừng hùng vĩ, làm tăng thêm sự cảm phục, ngưỡng mộ và yêu mến vô cùng trong lòng người ra đi. Người thợ thủ công đan nón "chuốt từng sợi giang". Có tỉ mỉ, khéo léo mới có thể "chuốt từng sợi giang" để đan thành những chiếc nón, chiếc mũ phục vụ kháng chiến, để anh bộ đội đi chiến dịch có "ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan". "Nhớ cô em gái hái măng một mình"- mặc dù hái măng một mình như vậy nhưng vẫn không cảm thấy lẻ loi, vì cô đang lao động giữa khúc nhạc rừng, hái măng để góp phần nuôi quân. Cô gái hái măng là một nét vẽ trẻ trung, yêu đời trong thơ Tố Hữu. "Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung"- Ai là dại từ nhân xưng phiếm chỉ, "nhớ ai" là nhớ về tất cả, về mọi người dân Việt Bắc giàu tình nghĩa thủy chung, đã hi sinh quên mình cho cách mạng và kháng chiến.

     Bức tranh tứ bình truyền thống vốn thường miêu tả ngoại cảnh, con người chỉ điểm xuyến, trong bài thơ với điệp từ "nhớ", Tố Hữu cho thấy trong nỗi nhớ của người ra đi đây là những bức tranh tâm ảnh cảnh. Hình ảnh con người được nhà thơ khắc họa có sự đan cài, gắn bó khăng khít với thiên nhiên và hình ảnh con người gắn với những công việc bình thường, cụ thể nhưng họ vẫn là những con người làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời.Bằng những việc làm nhỏ bé ấy thì họ đã góp phần tạo nên sự thắng lợi to lớn, vĩ đại của cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc.

          Qua đoạn thơ, ta thấy tác giả Tố Hữu là người vô cùng sâu sắc, tinh tế trong ngôn ngữ cũng như trong quan sát. Ông đã khéo léo gợi lên bức tranh tứ bình thiên nhiên, con người Việt Bắc vô cùng tươi đẹp tạo dấu ấn khó quên trong lòng người đọc. Cảnh và người hòa hợp với nhau tô điểm cho nhau, đã làm cho bức tranh trở nên gần gũi thân quen, sống động và có hồn hơn. Tất cả đã tan chảy thành nỗi nhớ nhung quyến luyến thiết tha trong tâm hồn người cán bộ về xuôi.