Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Trung bình: 5
Đánh giá: 4
Bạn đánh giá: Chưa

          Thời gian cứ lặng lẽ chảy trôi, đã qua biết bao nhiêu năm rồi nhưng hình như đâu đó vẫn hắt lại ánh sáng đỏ rực của ngọn đuốc tẩm dầu , rọi lên trên tấm lụa bạch trắng tinh con nguyên vẹn lần hồ. Trong khung cảnh ngục tù tăm tối, lại diễn ra một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có” – cảnh tượng cho chữ của Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” của người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Tuân. Và từ giây phút đó, vẻ đẹp của tâm hồn thiện lương đã soi sáng, xóa nhòa mọi sự dơ bẩn, dung tục và tầm thường nơi ngục tù đầy rẫy những tội lỗi. Tác phẩm đã làm nổi bật lên một chân lí cái đẹp luôn chiến thắng cái ác, cái thiêng lương, thánh thiện không thể tồn tại trong một môi trường dung tục, tầm thường.


Phần thân bài Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

          Nguyễn Tuân được đánh giá là "một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp", là một con người rất mực tài hoa và là bậc thầy của truyện ngắn. Sáng tác của ông được chia làm hai giai đoạn, trước và sau Cách mạng tháng Tám. Ở giai đoạn trước, ông thoát li hiện thực, tìm lại vẻ đẹp của một thời vang bóng xa xưa với những phong tục và thú vui tao nhã, tập "Vang bóng một thời" là tập truyện tiêu biểu nhất của ông ở thời kì ấy, trong đó không thể không kể đến Chữ người tử tù với thú chơi chữ truyền thống của Huấn Cao và viên quản ngục. Chữ người tử tù in trong tập Vang bóng một thời xuất bản năm 1940. Tác phẩm đã truyền tải đầy đủ tinh thần của tác giả cũng như giá trị nhân văn của tác phẩm. 

     Đã từ rất lâu, chơi chữ được coi là nét văn hóa tao nhã của người Việt ta. Những câu đối với nét chữ bay bổng được viết để treo trong nhà như một thú vui giúp cho tâm hồn con người được thư thái hơn. Khi thưởng thức cái đẹp thanh cao, các nhà nho cho chữ đều diễn ra ở những khung cảnh thơ mộng, yên tĩnh để khơi nguồn cảm xúc, cái đẹp được bộc lộ hết những khía cạnh của mình. Vậy mà trong Chữ người tử tù, cảnh cho chữ ấy lại diễn ra ở nơi tù ngục tối tăm, vượt ra khỏi chuẩn mực của xã hội, tác giả gọi đó là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có". Đoạn cho chữ nằm ở phần cuối tác phẩm, ở vị trí này tình huống truyện được đẩy lên đến đỉnh điểm vì viên quản ngục bỗng nhận được công văn về việc xử tử những tên phản loạn, trong đó có Huấn Cao. Chính vì thế cảnh cho chữ có ý nghĩa mở nút, giải tỏa những băn khoăn của người đọc, từ đó làm toát lên những giá trị lớn lao của tác phẩm.

     Đêm buông xuống, ánh sáng đã nhường chỗ cho màn đêm tối tăm. Đây là khoảng thời gian buồn tẻ, hiu hắt nhất của ngày, vạn vật như chìm vào im lặng chỉ còn tiếng gõ mõ đều đều trong canh dài, không một bóng người lai vãng. Khung cảnh nhà giam hiện lên tù túng, chật hẹp với từng tiếng thở dài oán than “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Tác giả miêu tả thật sinh động, chân thực hoàn cảnh éo le của người anh hùng Huấn Cao, một người nghệ sĩ tài hoa giờ đây phải giam mình trong nhà tù tăm tối. Thế nhưng chính tại nơi tầm thường ấy lại xảy ra một sự việc thật trọng đại, làm rung động trái tim của những người tài hoa chân chính.

     Nhà giam ngập tràn “khói toả như đám cháy nhà”, “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu”. Dường như cả ba người đang chăm chú với niềm hạnh phúc dâng trào để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ. Sự đối lập giữa tư thế và vị thế của người cho chữ - Huấn Cao và người nhận chữ - viên quản ngục đã được Nguyễn Tuân khắc hoạ thật rõ nét, “một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm vải lụa trắng tinh, viên quản ngục “khúm núm”, thầy thơ lại “run run bưng chậu mực”. Có lẽ đứng trước cái đẹp trái tim con người bỗng rung động, như có thứ gì đó bóp nghẹt lại, không ai nói với nhau lời nào nhưng đủ để cảm nhận niềm hạnh phúc đang tuôn trào trong lồng ngực. Từ một viên quản ngục “quyền cao chức trọng” giờ đây phải cúi đầu trước vẻ đẹp tài hoa, trước người tử tù có tấm lòng thiên lương. 

     Trên tấm lụa bạch còn nguyên lần hồ, từng nét chữ vừa đẹp, vừa vuông của Huấn Cao dần hiện ra. Vậy là cái đẹp có thể nảy sinh trên nền cái xấu, cái ác, cái tội lỗi nhưng không bao giờ sống chung với cái xấu, cái ác. Vì thế, sau khi cho chữ xong, Huấn Cao đã khuyên viên quản ngục đổi nghề, đổi chỗ ở để giữ thiên lương trong sáng của mình, có thiên lương lành vững mới thưởng thức được cái đẹp. Cái thiên lương cao đẹp của Huấn Cao cũng là sáng bừng cả thiên lương ẩn giấu của quản ngục. Hành động xin "bái lính" chính là sự chiến thắng của cái đẹp, sự thất bại thảm hại của cái xấu, cái ác. Cảnh cho chữ không diễn ra ở nơi có trăng hoa tuyết nguyêt mà lại ở trong căn buồng tăm tối chật hẹp. Nơi ngự trị của cái ác lại là nơi cái đẹp được "khai sinh", thăng hoa. Toàn bộ bóng đêm tăm tối của ngục tù đã sụp đổ, chỉ còn lại vẻ đẹp thuần thiết của khí phách của thiên lương. Người tử tù dù ngày mai có phải chịu án tử hình nhưng kẻ ấy không chết mà sẽ đi vào cõi bất tử cùng với cái đẹp. Huấn Cao là hiện thân cho vẻ đẹp hoàn mĩ, con người ấy chỉ có thể chết về tinh thần, nhưng tư tưởng đẹp của Huấn Cao và từng lời dạy của ông sẽ còn lại với đời, sẽ theo viên quản ngục trong suốt cuộc đời còn lại.

          Qua cảnh cho chữ đầy xúc động, Nguyễn Tuân đã ngầm khẳng định vị thế của cái đẹp thiên lương, nó không đơn độc mà mang một sức mạnh vô hình “nhân đạo hoá” cái ác, cái xấu xa đi vào con đường chân chính, tươi đẹp. Đoạn văn thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật tài hoa của Nguyễn Tuân, ông luôn đặt con người trong vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ. Ông có kiến thức phong phú về nhiều lĩnh vực, sức tưởng tượng vô cùng độc đáo. Nguyễn Tuân vẽ nên một bức tranh với hai mảng màu sáng tối đối chọi gay gắt, một bên là khung cảnh tăm tối ngục tù, một bên là ánh sáng chói loá của nét đẹp hoàn mỹ.