Phân tích nhân vật viên quản ngục trong Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân

Trung bình: 5
Đánh giá: 4
Bạn đánh giá: Chưa

          Một nền văn học lớn là một nền văn học có nhiều phong cách, một nhà văn lớn là một nhà văn xây dựng cho mình một phong cách riêng độc đáo. Nguyễn Tuân là một nhà văn như thế. Phong cách nghệ thuật nổi bật của ông chính là tài hoa uyên bác và là một người suốt đời đi tìm cái đẹp. Chính bởi phong cách ấy mà những tác phẩm của ông mang đậm sự tài hoa uyên bác. Đặc biệt là Chữ người tử tù, trong tác phẩm ấy ngoài nhân vật Huấn Cao ta cũng không thể nào không nhắc đến nhân vật Viên quản ngục. Dưới ngòi bút tài hoa uyên bác ấy, hình ảnh viên quản ngục hiện lên thật đáng chú ý.


Phần thân bài Phân tích nhân vật viên quản ngục trong Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân

          Nguyễn Tuân quê ở làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình nho học khi Hán học đã tàn. Nguyễn Tuân nhiều lần theo gia đình chuyển nơi ở nhưng ông làm báo và viết văn chủ yếu ở Hà Nội. Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân đến với cách mạng, ông dùng ngòi bút của mình phục vụ hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Nguyễn Tuân là một nhà văn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông là người đã góp phần thúc đẩy thể tùy bút, bút kí đạt tới trình độ nghệ thuật cao, làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học dân tộc, đem đến cho nền văn xuôi hiện đại một phong cách tài hoa độc đáo. Những tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Tuân có thể kể đến như: Một chuyến đi (1938), Vang bóng một thời (1940), Thiếu quê hương (1940), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972)...Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, in năm 1938 trên tạp chí Tao Đàn, sau đó được tuyển in trong tập truyện Vang bóng một thời và đổi tên thành Chữ người tử tù.

     Nhân vật chính của tác phẩm là nhân vật Huấn Cao, một người nổi tiếng viết chữ đẹp khắp vùng tỉnh Sơn, có khí phách hiên ngang, phi thường. Ngoài ra nhân vật viên quản ngục cũng gây chú ý với người đọc, viên quản ngục là một người có sở thích cao quý đó là thích chữ đẹp của Huấn Cao. Nếu như sở thích của những viên quan tầm thường là vàng bạc hư danh, quyền quý thì viên quản ngục trong tác phẩm này hoàn toàn ngược lại. Ông có tầm nhìn xa trông rộng và tâm tưởng hoàn toàn thoát khỏi những cám dỗ của vật chất cũng như những bóng tối của ngục tù. Ông giống như một "âm thanh trong trẻo xen giữa bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ". Ông mong muốn một ngày kia có được bức tranh chữ của Huấn Cao viết để treo trong nhà. Mặc dù làm một tên quan cai ngục nhưng ông không đánh mất đi sự lương thiện trong bản chất của mình, ông không hề phụ thuộc vào triều đình. Khi biết Huấn Cao đến thì ông đã tìm mọi cách để xin chữ của Huấn Cao dù ông biết nếu bị bại lộ ông sẽ mất đầu. Ta thấy được rằng ở viên quản ngục có những giá trị tôn vinh cái đẹp, tâm hồn của ông không bị nhà ngục kia vấy bẩn. Khi việc xin chữ gặp khó khăn vì Huấn Cao không hiểu được nỗi lòng của ông nhưng ông vẫn giữ niềm hi vọng. Qua đó ta mới hiểu được rằng nhiều khi chức vụ hay thân phận không quyết định đến lối sống và tâm hồn của một con người. 

     Viên quản ngục không chỉ là một người yêu chuộng cái đẹp mà ông còn là một người biết trân trọng những người tài giỏi như Huấn Cao. Ông thấy tiếc cho con người tài giỏi ấy mà lại phải chuốc lấy cái chết. Được biết Huấn Cao có tài bẻ khóa vượt ngục nhưng viên quản ngục không mấy quan tâm về điều đó mà cái ông quan tâm là làm sao có thể tiếp cận được con người anh hùng ấy để xin chữ mà thôi. Ông trân trọng Huấn Cao, thiết đãi Huấn Cao và những người bạn của Huấn Cao rượu thịt hàng ngày. Điều đó thể hiện sự trân trọng những con người tài giỏi của viên quản ngục. Thế rồi ông lần la hỏi Huấn Cao có cần gì thì cứ nói viên quản ngục sẽ thiết đãi. Viên quản ngục là người cai quản tù ngục, là chủ nhưng vì muốn xin chữ và trân trọng người tài nên đã hạ mình xuống, xưng hô như một người bề dưới. 

     Những hành động của viên quan coi ngục còn thể hiện sự trân trọng và đề cao những giá trị văn hóa của ông. Thái độ trân trọng nghệ thuật thư pháp chính là trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Dù ở trong nhà tù đen tối ấy nhưng tâm hồn của viên quản ngục không bị nhuốm đen. Sức mạnh của cái đẹp làm cho tâm hồn của viên quản ngục vẫn thiên lương trong sáng, chính vì thế mà ông nhất định phải xin bằng được chữ của Huấn Cao. Khi Huấn Cao quyết định cho chữ viên quản ngục cảm thấy rất vui, ông như nhận ra nhiều điều, nhận thấy cả cách chọn nghề sai của mình nữa. Ông thể hiện thái độ kính trọng trước những lời dặn dò cuối cùng của một người tử tù. Viên quan ấy hứa rằng sau khi nhận được chữ của Huấn Cao thì sẽ trở về quê sống để giữ cái thiên lương trong sáng của mình. Hai dòng nước mắt của ông khẽ rơi như thể hiện sự hối hận của mình. Qua đó ta thấy được viên quản ngục đúng là một người có thiên lương trong sáng trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà quên đi cả sự an toàn của bản thân. Diễn biến nội tâm, hành động và cách ứng xử của viên quản ngục chứng tỏ dù sống ở nơi tăm tối nhưng ông vẫn giữ được nhân cách cao đẹp - một tấm lòng trong thiên hạ, xứng đáng trở thành bạn tri kỉ của Huấn Cao.

          Xuyên suốt chiều dài của truyện, nhân vật quản ngục luôn luôn tồn tại với một ý nghĩa nhất định. Viên quản ngục không chỉ là một hình tượng độc đáo mà còn là nhân vật có đầy đủ những đặc điểm chung nhất của Vang bóng một thời, của quan niệm và phong cách Nguyễn Tuân: lãng mạn mà vẫn hiện thực, là tiếng nói của thiên lương, của tinh thần dân tộc, là biểu hiện của sự "yêu mến và than tiếc những cái đã qua và có sức làm sống lại một thời xưa cũ".