Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân

Trung bình: 5
Đánh giá: 3
Bạn đánh giá: Chưa

          Nguyễn Tuân là một cây bút tài hoa, độc đáo, uyên bác và sâu sắc của nền văn học Việt Nam, cũng là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông đi về ngày xưa cũ để nói cái đời hiện tại. Điều đó phản ánh rõ nét qua trang văn chương của ông. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Tuân là một hành trình trở về quá khứ khơi dậy những nét đẹp dân tộc đang dần bị mai một đi. Truyện ngắn Chữ người tử tù gắn với nghệ thuật thư pháp dân tộc mà ở đó Huấn Cao chính là nhân vật đại diện. Nhân vật Huấn Cao được khắc họa ở cà tài năng tâm hồn và khí phách, cả ba điểm này đều đạt đến tuyệt đỉnh.  


Phần thân bài hướng dẫn Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù- Nguyễn Tuân

          Nguyễn Tuân quê ở làng Mọc, phường Nhân Chính, quân Thanh Xuân, Hà Nội. Ông sinh gia trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn. Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc. Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ "ngông", mỗi trang viết của ông đều muốn chứng tỏ tài hoa, uyên bác. Và mọi sự vật được miêu tả ở phương diện thẩm mỹ. Ông đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương xót lại gọi là “Vang bóng một thời’. Sau Cách mạng tháng Tám, ông không đối lập quá khứ với hiện tại. Theo ông, cái đẹp có ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai, tài hoa có ở cá nhân đại chúng. Nguyễn Tuân theo "chủ nghĩa xê dịch". Vì thế ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, và những phong cảnh tuyệt mĩ. Tác phẩm Chữ người tử tù lúc đầu có tên là “Dòng chữ cuối cùng” in năm 1939 trên tạp chí Tao đàn, sau được tuyển in trong tập “Vang bóng một thời”.

     Nhà văn Nguyễn Tuân đã lấy nguyên mẫu hình tượng Cao Bá Quát làm nguồn cảm hứng sáng tạo ra nhân vật Huấn Cao. Huấn Cao được lấy từ hình tượng này với tài năng, nhân cách sáng ngời và rất đỗi tài hoa. Huấn Cao là một con người đại diện cho cái đẹp, từ cái tài viết chữ của một nho sĩ đến cốt cách ngạo nghễ phi thường của một bậc trượng phu , tấm lòng trong sáng của một người biết quý trọng cái tài, cái đẹp. “Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?”, cái tài của Huấn Cao không chỉ là viết nhanh mà còn viết đẹp. Tài năng của Huấn Cao còn được miêu tả qua lời người dẫn truyện và trong suy nghĩ nhân vật. Chữ của Huấn Cao "đẹp lắm, vuông lắm", nét chữ của Huấn Cao thể hiện được cả cái hồn con người vì thế mà viên quản ngục mới “mất ăn mất ngủ” không màng đến tính mạng của mình để có được chữ của Huấn Cao, "một vật báu ở trên đời" treo trong nhà. Trong bức tranh cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”, tài ông Huấn được thể hiện một cách rõ nét. “Một người tù cổ đeo gông chân vướng xiềng đang dậm tô những nét chữ vuông tươi tắn nói lên hoài bão tung hoành của một đời người”. Cái nét chữ ấy nó còn có khả năng cảm hóa con người. Dòng chữ linh nghiệm dường như có sức mạnh thần bí giải thoát quản ngục khỏi nhà tù chung thân trở về với thế giới lương thiện.

     Ngoài ra, Huấn Cao còn là một người có cốt cách ngạo nghễ, khí phách phi thường, hiên ngang. Ông không thể hiện lòng trung quân một cách mù quáng mà ông đã chống lại triều đình để giờ đây bị tội và phải chịu án tử hình. Huấn Cao có tấm lòng nhân ái bao la, ông thương cho nhân dân vô tội nghèo khổ, làm than bị áp bức bóc lột bởi giai cấp thống trị tàn bạo thối nát. Huấn Cao rất căm ghét bọn thống trị và thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân "thấp cổ bé họng". Nhân vậy ấy đã lựa chọn con đường đấu tranh giành quyền sống cho người dân vô tội. Cuộc đấu tranh không thành công ông bị bọn chúng bắt. Giờ đây phải sống trong cảnh ngục tối chờ ngày xử chém. Trước khi bị bắt vào ngục, viên quản ngục đã nghe tiếng đồn Huấn Cao rất giỏi võ, ông có tài "bẻ khóa, vượt ngục" chứng tỏ Huấn Cao là một người văn võ toàn tài, quả là một con người hiến có trên đời. Tác giả miêu tả sâu sắc trạng thái tâm lý của Huấn Cao trong những ngày chờ thi hành án. Trong lúc này đây, khi mà người anh hùng "sa cơ lỡ vận" nhưng Huấn Cao vẫn giữ được khí phách hiên ngang, kiên cường. Tuy bị giam cầm về thể xác nhưng ông Huấn vẫn hoàn toàn tự do bằng hành động "dỡ cái gông nặng tám tạ xuống nền đá tảng đánh thuỳnh một cái" và "lãnh đạm" không thèm chấp sự đe dọa của tên lính áp giải. Dưới mắt ông, bọn kia chỉ là "một lũ tiểu nhân thị oai". Cho nên, mặc dù chịu sự giam giữ của bọn chúng nhưng ông vẫn tỏ ra "khinh bạc". Ông đứng đầu gông, ông vẫn mang hình dáng của một vị chủ soái, một vị lãnh đạo. Người anh hùng ấy dù cho thất thế nhưng vẫn giữ được thế lực, uy quyền của mình. Thật đáng khâm phục! Mặc dù ở trong tù, ông vẫn thản nhiên "ăn thịt, uống rượu như một việc vẫn làm trong hứng bình sinh". Huấn Cao hoàn toàn tự do về tinh thần. Dù bị lĩnh bản án tử hình nhưng Huấn Cao gần như không để tâm đến. Huấn Cao vẫn thản nhiên cho chữ. Trong buồng tối chật hẹp, chân dung con người lại trở lên lớn lao, kì vĩ. Ngục tù – nơi cái ác Ngự Trị dường như nhường chỗ cho khí phách hiên ngang. Đuốc hừng hực “như đám cháy nhà” ẩn chứa niềm phẫn uất khôn nguôi trong lòng Huấn Cao với chế độ. Tàn lửa tàn lửa rụng xuống sàn xèo xèo niềm phẫn nộ. Ánh lửa soi chiếu cho chân dung người anh hùng tỏa sáng. Huấn Cao dường như là kết tinh của phẩm chất, tâm hồn phóng khoáng, tự do, bất khuất của người Việt.

     Nguyễn Tuân đã xây dựng hình tượng nhân vật Huấn Cao có thiên lương trong sáng. Huấn Cao là người không chấp nhận cái xấu cái ác. Tuy rằng rơi vào bi kịch anh hùng thất thế nhưng Huấn Cao chưa bao giờ chấp nhận một sự xấu xa nào. Với nhân vật, tù ngục là nơi của “lũ quay quắt” cặn bã, là nơi cái xấu tồn tại. Huấn Cao không chỉ thể hiện sự “khinh ghét đến điều” mà còn khuyên quản ngục – người giữ tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” phải từ bỏ ngục tù kẻo vấy bẩn cuộc đời lương thiện. Theo Huấn Cao, cái đẹp không thể nào ở chung với cái xấu được. Con người chỉ thưởng thức cái đẹp khi có bản chất trong sáng, nhân cách cao thượng mà thôi. Những nét chữ cuối cùng đã cho rồi, những lời nói cuối cùng đã nói rồi. Huấn Cao, người anh hùng tài hoa kia dù đã ra đi mãi mãi nhưng để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai đã thấy, đã nghe, đã từng được thưởng thức nét chữ của ông. Sống trên cõi đời này, Huấn Cao đã đứng lên đấu tranh vì lẽ phải, đã xóa tan bóng tối hắc ám của cuộc đời này. Chính vì vậy, hình tượng Huấn Cao đã trở nên bất tử. Huấn Cao sẽ không chết mà bước sang một cõi khác để xua tan bóng tối nơi đó, đem lại hạnh phúc cho mọi người ở mọi nơi.

           Qua truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Huấn Cao mang vẻ đẹp của cái tài và cái tâm. Cái đẹp luôn song song "tâm" và "tài" thì cái đẹp đó mới trở nên có ý nghĩa thực sự. Nguyễn Tuân đã rất thành công trong việc xây dựng tư tưởng và quan niệm văn chương của mình thông qua nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tài tình, xây dựng không gian truyện giàu màu sắc điện ảnh và cốt truyện độc đáo. Với tác phẩm, Nguyễn Tuân thực sự đã ca ngợi, phục hưng và lưu truyền nét đẹp văn hóa dân tộc.