Phân tích hình tượng sông Đà trong Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân

Trung bình: 4,46
Đánh giá: 11
Bạn đánh giá: Chưa

          Khi nhắc đến Nguyễn Tuân, người ta thường nghĩ ngay đến “chủ nghĩa xê dịch”. Ông đã tới miền Tây Bắc xa xôi không chỉ để thoả mãn cái thú tìm đến miền đất lạ cho thoả niềm khát khao “Xê dịch” mà chủ yếu để tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên và ở tâm hồn của người lao động. Những trang viết hay nhất của ông thường là những trang tả đèo cao, vực sâu, thác nước dữ dội hoặc những cảnh thiên nhiên đẹp một cách tuyệt đỉnh, tuyệt vời. Người lái đò sông Đà là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách của nhà văn. Tác phẩm là những trang văn miêu tả rất tinh tế vẻ đẹp hình tượng con sông Đà vừa hùng vĩ nhưng cũng rất lãng mạn.


Phần thân bài Phân tích hình tượng sông Đà trong Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân

          Nguyễn Tuân sinh ra trong một gia đình nhà nho, là một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, có cá tính độc đáo. Ông là người có cá tính mạnh mẽ và phóng khoáng. Nhà văn luôn có hứng thú với những biểu hiện phi thường cảu tạo vật và con người. Với cá tính của mình, Nguyễn Tuân tìm đến với tùy bút như một lẽ tất yếu. Người lái đò sông Đà rút từ tập tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân. Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc năm 1958. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng khác nhau, sống với bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân cầu đường và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới đã đem lại cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo.

      Nhà văn tài hoa đã khiến ngôn từ dựng lên ghềnh thác, khiến nhịp điệu tạo thành sóng gió, dùng những thao tác so sánh, nhân hóa dẫn dắt người đọc tới hình dung liên tưởng khiến cho sự hung bạo của sông Đà hiện lên thật rõ nét. Với con mắt đầy tinh tế, Nguyễn Tuân đã có những so sánh liên tưởng đầy mới lạ và bất ngờ “cảnh đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời”. “ Có vách đá thành chẹt lòng sông như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng lòng sông hẹp tới mức con nai con hổ có thể vọt từ bờ bên này sang bờ bên kia.". Sự liên tưởng độc đáo vách đá với thành cao đã phần nào thể hiện được sự vững chãi, thâm nghiêm, sức mạnh bí ẩn đầy đe dọa của sông Đà. Tác giả đã cho thấy được sự nguy hiểm của dòng sông, một nơi hẹp như thế mà lưu tốc dòng nước vốn nhanh bây giờ lại trở nên xiết vô cùng. Con thuyền nào mà kẹt vào khe ấy thì tiến không được, lùi không xong chỉ chờ sóng nước và đá đập cho tan xác mà thôi. Nguyễn Tuân tạo sự liên tưởng độc đáo khi tại ra ấn tượng tương phản của xúc giá với chi tiết " Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một cái khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện", truyền cho người đọc hình dung về vẻ tăm tối, lạnh lẽo đột ngột khi con thuyền từ ngoài vào khúc sông có đá dựng vách thành. Tất cả làm tăng thêm cảm giác về độ cao hun hút, thăm thẳm của vách đá qua cái nhìn chới với rợn ngợp của người quan sát.

Phân tích hình tượng sông Đà trong Người lái đò sông Đà- Nguyễn Tuân
Phân tích hình tượng sông Đà trong Người lái đò sông Đà- Nguyễn Tuân

     Gió trên sông Đà "Dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy". Nhịp ngắt ngắn, nhanh, dồn dập, sự xuất hiện dày đặc của các thanh sắc, những điệp ngữ đã tái hiện sinh động sức mạnh thiên nhiên dữ dội nhất của nước, sóng, gió và đá sông Đà. Động từ "xô điệp lại cả ba vế câu gây ấn tượng về những chuyển động liên tiếp không ngừng, gợi sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên. Kết câu ngôn ngữ đặc sắc như mô phỏng hình ảnh những con sóng dữ cuồn cuộn, chồm lên nhau theo chiều ngang, vút lên cao theo chiều dọc rồi đổ ập xuống ghê rợn trên mặt ghềnh. Biện pháp nhân hóa con sông như có linh hồn như một "người đòi nợ xuýt", tác giả làm rõ sự nguy hiểm của con sông hung dữ, sẵn sàng lấy đi tính mạng bất cứ ai.

     Những hút nước ở quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La lại càng ghê rợn hơn nữa "nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc", "những cái giếng sâu ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào". Lối so sánh độc đáo khiến con sông Đà không khác gì loài thủy quái với những tiếng kêu ghê rợn như muốn khủng bố tinh thần và uy hiếp con người. Cái hút nước được miêu tả bằng thủ pháp điện ảnh, góc nhìn ấn tượng khi hất ngược lên một cách sống động, truyền cảm từ hình khối của một thành giếng xây toàn bằng nước cho đến màu sắc của dòng nước xanh ve "Cái thuyền xoay tít, những thước phim màu ống quay tít, cái máy lia ngược(...) lên một cái mặt giếng mà thành giếng xây tràn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày...".

     Có lẽ khủng khiếp trong diện mạo và tâm địa của thứ kẻ thù số một con người phỉa là tiếng thác nước sông Đà.Tiếng thác réo nghe thật ghê sợ, kêu "như ai oán trách gì, rồi lại van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Tiếng thác rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng". Bằng nghệ thuật so sánh, nhân hóa tài ba của Nguyễn Tuân, lần đầu tiên trong thơ văn lại có người lại dùng lửa để miêu tả nước, hai nguyên tố luôn tương khắc nhau. Qua so sánh, tiếng nước sông Đà hiện lên như những âm thanh man dại, bản năng của một loài vật hung dữ đang cuồng loạn tìm lối thoát thân. 

     Bằng thủ pháp nhân hóa, người đọc nhận ra từng sắc diện người trong những hình thù đá vô tri. Nguyễn Tuân đã dùng sức mạnh điêu khắc của ngôn từ để thổi hồn vào từng thớ đá "Cả một chân trời đá mặt hòn nào trông cũng "ngỗ ngược", "nhăn nhúm", "méo mó". Những hòn đá vô tri vô giác nhưng qua cái nhìn của Nguyễn Tuân chúng mang vẻ du côn của thiên nhiên hoang dại và hung dữ với ba trùng vi thạch trận: Trùng vi thạch trận thứ nhất, bọn đá đứa thì "hất hàm" đứa thì "thách thức", "mặt nước hò la ùa vào bẻ gãy cán chèo", sóng nước "đá trái, thúc gối vào bụng vào hông thuyền". Trùng vi thạch trận thứ hai, sông nước bài binh bố trận ở khắp nơi, tăng nhiều cửa tử, cửa sinh nằm ở phía hữu ngạn. Trùng vi thạch trận thứ ba, sông Đà sắp đặt bên phải bên trái đều là luồng chết, luồng sống ở ngay giữa. Qua đó ta thấy sông Đà như một loài thủy quái, hung hăng, bạo ngược biết bày thạch trận, thủy trận hòng tiêu diệt thuyền bè trên dòng nước của nó, một thứ thiên nhiên Tây Bắc "với diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một".

     Con sông Đà hùng vĩ dài trên năm trăm cây số, ở đoạn thượng nguồn nó mang một vẻ đẹp hào hùng và thách thức, vậy mà vượt qua đoạn thượng nguồn dòng sông hoàn toàn mang bộ mặt khác, rất thơ mộng, trữ tình, thanh bình, yên ả. Dòng nước sông Đà cũng mang vẻ đẹp duyên dáng, thú vị. Nguyễn Tuân cảm nhận vẻ đep trữ tình của sông Đà ở nhiều góc độ khác nhau, từ trên cao nhìn xuống "con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai...". Phép so sánh sông Đà như một sáng tóc trữ tình nhằm nhấn mạnh dáng hình dòng sông mềm mại óng ả, mượt mà, duyên dáng uyển chuyển."Bung nở" là động từ mạnh đứng trước hai loài hoa làm tăng thêm cảm nhận về sự vận động của sắc màu cứ rạo rực rồi bừng lên lộng lẫy, trang điểm cho dòng sông thêm cuốn hút lòng người. Màu sắc của dòng sông cũng thay đổi theo mùa, "mùa xuân dòng xanh ngọc bích" chứ không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu nước sông "lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái mùa đỏ giận dữ ở một người bất mãn, bực bội gì mỗi độ thu về". Sông Đà không chỉ đơn thuần một màu quanh năm mà mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng, quyến rũ và tình tứ.

     Nguyễn Tuân còn nhìn sông Đà như một cố nhân trong cảm hứng thi ca, đứng trước sông Đà không ai không nghĩ đến những câu ca dao thần thoại, những câu thơ tình cảu Tản Đà, những câu thơ Đường của Lý Bạch. Qua đó ta càng cảm thấy tình sông núi cũng là tình tri âm tri kỉ, sông Đà thực sự trở thành một cố nhân. Tâm hồn người đọc như được nâng lên một tầm cao nhân văn, trí tuệ được khơi dậy trở nên bừng sáng.

     Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà con toát lên từ không gian tĩnh lặng. Phải chăng đây là đoạn sông Đà ở hạ nguồn dòng sông hiền lành, yên ả "Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi". Cũng bằng liên tưởng, cảm xúc dồi dào của Nguyễn Tuân đã nhận ra vẻ đẹp mộng mơ, huyền ảo, hồn nhiên hoang dã của sông Đà "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích thuở xưa". Dòng sông Đà hiện lên nên thơ, trữ tình, hồn nhiên, tươi sáng. Cảnh sắc ven sông Đà đẹp như trong huyền thoại cổ tích.

          Với tình yêu thiên nhiên đất nước kết hợp với ngôn từ độc đáo, tài hoa, Nguyễn Tuân đã tái hiện một khung cảnh Tây Bắc thật hùng vĩ mà cũng thật trữ tình.Từ đó, làm nổi bật lên tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào với vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ của thiên nhiên núi rừng. Sông Đà quả là một quà tặng vô giá của thiên nhiên là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của bậc thầy tùy bút Nguyễn Tuân. Gấp trang sánh lại nhưng hình ảnh con sông Đà vẫn ám ảnh trong lòng người đọc, thì ra Việt Nam lại có một dòng sông hùng vĩ mà đẹp đến thế!