Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong Chiếc thuyền ngoài xa

Trung bình: 4,36
Đánh giá: 56
Bạn đánh giá: Chưa

    Một bông hoa thật sự đẹp không phải là bông hoa có màu sắc rực rỡ mà còn cần đến cả mùi hương hoa tỏa ra. Một bài hát thật sự hay không chỉ có giai điệu êm tai mà ca từ cũng phải mang nhiều ý nghĩa. Còn đối với một tác phẩm truyện ngắn ngoài những giá trị nhân đạo, hiện thực sâu sắc thì đôi khi còn hấp dẫn người đọc bởi tình huống truyện độc đáo. Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm như thế. Nó không chỉ thành công bởi mang một ý nghĩa sâu sắc, nội dung phong phú hình tượng nghệ thuật mà còn thành công bởi tình huống truyện độc đáo.


    Bàn về tình huống truyện giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có viết: "Tình huống truyện giống như một thứ nước rửa ảnh để làm nổi hình, nổi sắc nhân vật, nổi bật vấn đề tư tưởng của tác phẩm, sáng tạo tình huống trở thành nơi thử thách tài nghệ của nhà văn". Nguyễn Minh Châu cho rằng "đó là cái tình thế xảy ra câu chuyện góp phần miêu tả tâm lí nhân vật làm nổi bật giá trị tư tưởng của tác phẩm". Do đó, ông đã sáng tạo ra tình huống truyện thật độc đáo và hấp dẫn nhằm chuyển tải tư tưởng riêng, phát hiện riêng về cuộc đời và văn chương. Có ba loại tình huống phổ biến trong truyện ngắn: tình huống hành động, tình huống tâm trạng và tình huống nhận thức. Nếu tình huống hành động chủ yếu nhằm tới hành động có tính bước ngoặt của nhân vật, tình huống tâm trạng chủ yếu khám phá diễn biến tình cảm, cảm xúc của nhân vật thì tình huốing nhận thức chủ yếu cắt nghĩa giây phút “giác ngộ" chân lí của nhân vật. Tình huống trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu thuộc loại tình huống nhận thức.

     Nguyễn Minh Châu đã tạo ra tình huống hết sức độc đáo trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa: Nhân vật Phùng được cử tới vùng biển miền Trung chụp ảnh phong cảnh cho bộ lịch sắp tới. Trong một buổi sớm bình minh, Phùng chụp được một bức ảnh đẹp từ màu sắc, hình ảnh cho tới đường nét "một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe", "bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào". Toàn bộ khung cảnh mang một vẻ đẹp đơn giản và toàn bích đã khiến Phùng bối rối và trong trái tim Phùng “như có gì bóp thắt vào", trong cái giây phút bối rối ấy Phùng "tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái không khí trong ngần của tâm hồn". Cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh đã mang lại “khoảnh khắc hạnh phúc tràm ngập tâm hồn Phùng” và Phùng đã bấm máy liên tục để thu hết vẻ đẹp tuyệt đỉnh của cảnh vật vào trong ống kính của mình.

Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong Chiếc thuyền ngoài xa
Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống truyện trong Chiếc thuyền ngoài xa

    Nhưng mọi thứ đều vỡ lẽ khi chiếc thuyền càng tiến vào bờ. Trước mắt Phùng là hình ảnh những người lao động nghèo, xơ xác, một sự thực bi thương không hề có một chút niềm vui hạnh phúc nào cả. Phùng trông thấy một người đàn ông cao to lực lưỡng và một người đàn bà thô kệch đi đằng sau. Dáng vẻ người đàn bà ấy lầm lũi vô cùng. Chứng khiến hình ảnh người chồng "mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa…quật tới tấp vào lưng người đàn bà, hắn vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!" trong khi đó thì người đàn bà nhẫn nhục, cam chịu mọi sự việc diễn ra làm cho Phùng “kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn…"

     Nguyễn Minh Châu xây dựng tình huống truyện này đã đưa ra những vấn đề đầy nghịch lí, nghịch lí giữa cái đẹp của nghệ thuật với sự thật trần trụi của cuộc sống hiện thực. Cái đẹp chính là sự hài hòa giữa chân thiện mỹ, bản thân cái đẹp chính là đạo đức. nghệ thuật phải gắn liền với đời sống, không thể rời xa cuộc sống này được. Người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều về cuộc sống bởi xung quanh mọi sự vật, hiện tượng luôn tồn tại những mặt đối lập. Cuộc sống không đơn giản xuôi chiều mà chứa đựng nhiều điều nghịch lý. Đừng bao giờ nhìn nhận cuộc đời con người một cách phiến diện. 

     Với tình huống của truyện, tác giả đã đặt ra một vấn đề rất quan trọng để người đọc phải suy tư, đó là mối quan hệ giữa văn chương, nghệ thuật với cuộc sống. Nghệ thụật là một cái gì xa vời như chiếc thuyền ngoài xa trong màng sương sớm mờ ảo, còn cuộc sống thì rất gần như con thuyền khi đã vào tới bờ. Nguyễn Minh Châu cho rằng nghệ thuật trước hết phải gắn liền với cuộc sống, phải phản ánh chân thật cuộc sống và góp phần cải tạo cuộc sống, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Quan điểm này rất gần với quan điểm của nhà văn Nam Cao “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than… (Trăng sáng)".

     Và một tình huống đặc sắc nữa đó là khi Đẩu mời người đàn đến tòa án huyện để khuyên bà bỏ người chồng vũ phu của mình. Đẩu tin giải pháp của mình là hợp lí, đúng đắn, thể hiện lòng tốt của mình. Nhưng sau buổi nói chuyện với người đàn bà thì mọi lí lẽ, mọi suy nghĩ của anh đều bị người đàn bà lam lũ ấy từ chối, không chấp nhận. Người đàn ấy đã nhìn thấu suốt cả cuộc đời mình, những điều mà Đẩu và cả Phùng chưa bao giờ nhìn thấy được: “lòng chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn…cho nên các chú đâu có thể hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhục…”, “ là bởi các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…", “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không phải sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó!”.Lời lẽ của người đàn bà đã khiến cho Đẩu nhận ra lòng tốt của anh hóa ra phi thực tế, những gì anh học trong sách vở rất khác so với thực tế. Nhà văn mở ra cái nhìn khám phá về con người. Ông đã khám phá sau vẻ xấu xí thô kệch của người đàn bà hàng chài là cả một sự hi sinh thầm lặng chịu đựng vì con cái. Có thể nói bà quả là một người mẹ điển hình cho những người mẹ Việt Nam. Nguyễn Minh Châu đã tìm thấy hạt ngọc ẩn dấu trong tâm hồn con người. Qua đó nhà văn muốn nhắn nhủ ban đọc đừng vội đánh giá người khác qua cái nhìn bề ngoài, phải nhìn thấu tận bên trong phẩm chất của họ.

          Với truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng nhiều tình huống truyện đặc sắc, để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Đồng thời ông còn muốn người đọc tự suy nghĩ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống. Hiện thực bao giờ cũng khô khan và trần trụi, không như nghệ thuật chỉ là những đường nét, những hình ảnh đẹp tuyệt mĩ. Và khi chúng ta nhìn cuộc sống hãy nhìn một cách đa chiều, nhìn nhận vấn đề trên nhiều phương diện khác nhau để có thể hiểu về cuộc đời sâu sắc hơn. Nếu chỉ nhìn cuộc sống hời hợt, theo sách vở thì chúng ta chưa thể hiểu hết được những nghịch lí nhưng có lí của cuộc sống.