Vẻ đẹp của tượng đài người lính Tây Tiến: vừa bi tráng vừa lãng mạn

Trung bình: 4,11
Đánh giá: 9
Bạn đánh giá: Chưa

          Từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hình ảnh người lính đã trở thành một đề tài cho biết bao hồn thơ cất cánh. Các nhà thơ viết về người lính với tất cả niềm kiêu hãnh và tự hào. Giữa muôn vài bài thơ như vậy, Tây Tiến của Quang Dũng nổi bật lên như một bông hoa rực rỡ nhất giữa một vườn hoa. Tây Tiến là một trong những bài thơ sớm nhất viết về người lính cách mạng, ra đời ngay trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và trở thành thi phẩm xuất sắc của nền thơ Việt Nam với hình tượng người lính.


Phần thân bài Vẻ đẹp của tượng đài người lính Tây Tiến: vừa bi tráng vừa lãng mạn

           Đoàn binh Tây Tiến được thành lập đầu năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như ở miền Tây Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn đóng quân và hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa và cả Sầm Nưa (Lào). Chiến sỹ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, chiến đấu trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội.

     Ngoại hình của người lính Tây Tiến được khắc họa bằng một nét vẻ chân dung rất gân guốc, lạ hóa: đặc tả màu da sốt rét rừng. Đó là cái lạ hóa, gân guốc bắt nguồn từ hiện thực đến từng chi tiết. "Không mọc tóc" là hậu quả của những trận sốt rét rừng khủng khiếp người nào cũng phải trải qua. Trong hồi ức của những đồng đội từ Tây Tiến trở về, đoàn quân ấy đánh trận tử vong ít, sốt rét tử vong nhiều. Rừng thiêng nước độc, gian khổ thiếu thốn, thuốc men không có. Bệnh sốt rét ác nghiệt như Chính Hữu đã từng mô tả:

Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi

      Tuy khó khăn là thế, thiếu thốn là thế nhưng người lính vẫn mang tư thế vô cùng oai phong lẫm liệt "dữ oai hùm". Ẩn sau ngoại hình ấy là sức mạnh nội tâm "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm", đây là một nét vẽ bay bổng, lãng mạn từng cùng bài thơ và tác giả của nó chịu bao thăng trầm. Đã có một thời giấc mơ ấy được xem là mộng rớt tiểu tư sản, yếu đuối, ủy mị, không nên có ở hình ảnh người chiến sĩ ra trận. Sự trải nghiệm lịch sử đã trả lại cho ta cái quý giá nguyên vẹn của những câu thơ như thế. "Đêm mơ Hà Nội" là hào hoa Tây Tiến, là bay bổng lãng mạn Tây Tiến, cũng là sức mạnh của Tây Tiến. "Dáng kiều thơm" gợi vẻ đẹp yêu kiều, thướt tha thanh lịch của người thiếu nữ Hà thành. Những giấc mơ chấp chới dáng kiều thơm trở thành động lực để giúp người lính vượt qua khó khăn, gian khổ, là lời thúc giục họ tiến lên phía trước, cũng là sợi dây thiêng liêng của niềm tin mang họ vượt qua bom đạn trở về. Người lính Tây Tiến, họ mơ về những dáng kiều thơm- những giấc mơ ít nhiều thơm mùi sách vở học trò. Bút pháp lãng mạn khi khắc họa hình ảnh người tráng sĩ, hiệp khách xưa thường thấp thoáng một bóng hình người đẹp như vậy. Trong Tây Tiến dường như đoạn nào cũng vấn vương một bóng dáng thướt tha "Mai châu mùa em thơm nếp xôi", "Kìa em xiêm áo tự bao giờ". Yếu tố giấc mơ đan xen với hiện thực trần trụi vừa giúp thăng bằng cảm xúc, vừa giữ được trạng thái hài hòa của thơ, vừa giúp Quang Dũng gõ vào được cánh cửa tâm linh người lính, làm lộ ra một góc kín đa tình.

     Lí tưởng, khát vọng của người lính Tây Tiến được gói gọn trong câu thơ "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Đời xanh tuổi trẻ, đời xanh với bao ước mơ khát vọng còn đang ở phía trước. Nhưng có gì quý giá hơn Tổ quốc thân yêu, có tình yêu nào cao hơn tình yêu Tổ quốc. Vượt lên tất cả là khát vọng được ra đi, được dâng hiến, xả thân. Hào khí ở thời đại đã ùa vào chắp cánh cho câu thơ này. Bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường...Tinh thần "người ra đi đầu không ngoảnh lại" của những người chinh phụ tráng sĩ thời xưa đã gửi gắm trong cách diễn đạt khẩu khí ấy để trở thành lí tưởng, khát vọng của người chiến sĩ. 

     Trong bài thơ, Quang Dũng không hề né tránh hiện thực khắc nghiệt, dữ dội. Trên chặng đường hành quân người lính không thể vượt qua đã vĩnh viễn "gục lên súng mũ bỏ quên đời". Dọc đường Tây Tiến cũng là vô vàn những nấm mồ liệt sĩ mọc lên "Rải rác biên cương mồ viễn xứ". Những nấm mồ phần lớn vô danh, hoang vắng, lạnh lẽo nơi biên ải mang nỗi buồn tê tái từ thời chinh phụ tráng sĩ gọi về. Sự hi sinh của những người lính cũng đầy bi tráng:

Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

     "Áo bào thay chiếu anh về đất" một lần nữa nhắc đến sự ra đi của họ. Hình ảnh áo bào thay chiếu là một cách sang trọng hóa sự hi sinh của người lính Tây Tiến gian khổ ngã xuống chỉ có manh chiếu sơ sài bó tạm, thậm chí có khi đến chiếu cũng không có đủ mà phải cột áo bào trên lưng. Sự hi sinh của người lính Tây Tiến còn được bao bọc trong âm hưởng hùng tráng hơn "Sông Mã gầm lên khúc độc hành". Câu trên rất nhẹ nhàng, thanh thản kìm nén, câu dưới lại dữ dội gào thét. Con người câm lặng trước nỗi đau. Thiên nhiên gầm lên khúc độc hành bi tráng.

          Trải qua những năm dài chiến đấu ác liệt, nếm trải biết bao cay đắng ngọt bùi, bao thiếu thốn gian nan, từng đánh những trận đánh đẫm máu giữa rừng sâu. Quang Dũng đã kế thừa một cách sáng tạo thơ ca cổ điển dân tộc để viết nên những vần thơ hào sảng như vậy. Qua cái nhìn lãng mạn của nhà thơ, cái bi bỗng trở thành cái hùng. Bức tượng đài người lính Tây Tiến trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp được khắc họa bởi bút pháp lãng mạn và tinh thần bi tráng ấy.