Cảm nhận và phân tích đoạn hai bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng

Trung bình: 4,14
Đánh giá: 7
Bạn đánh giá: Chưa

          Cả đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên diễm lệ có sức hòa hợp diệu kỳ giữa thiên nhiên và con người. Cảnh trí miền Tây ở khổ thơ dường như được tạo hình theo thi pháp truyền thống: "Thi trung hữu hoạ, thi trung hữu nhạc". Một miền Tây thơ mộng thi vị giàu sức cuốn hút. Đoạn thơ thứ hai được xem là đoạn thơ tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật của Quang Dũng:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa


Phần thân bài Cảm nhận và phân tích đoạn hai bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng

          Quang Dũng là người con của thủ đô Hà Nội. Tên thật của ông là Bùi Đình Diệm, ngay từ lúc còn là một chàng trai Hà thành đầy sức trẻ, ông đã nguyện cống hiến sức mình vào sự nghiệp cứu nước. Bên cạnh vai trò là một người lính hăng hái và nhiệt thành cách mạng, Quang Dũng còn được biết đến với nhiều năng khiếu đặc biệt như viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc,…Bài thơ Tây Tiến ban đầu có tên là Nhớ Tây Tiến, được in trong tập Mây đầu ô. Tác phẩm này được ra đời do Quang Dũng muốn ghi lại những kỉ niệm mà ông có được cùng đoàn binh Tây Tiến trong quá trình làm nhiệm vụ ở Tây Bắc. Binh đoàn của ông được thành lập vào năm 1947 và có tên là Tây Tiến, trong đó Quang Dũng là người đại đội trưởng. 

     Ấn tượng mà bốn câu thơ đầu đem đến cho người đọc là không khí hội hè rộn ràng vui vẻ, cái nhìn chiêm ngưỡng, say sưa mà đa tình của lính tây tiến trước vẻ đẹp phương xa xứ lệ. 

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

     "Doanh trại" là nơi đóng quân cũng là nơi diễn ra đêm hội dậm tình quân dân của những người lính. Là hội hè nên có thật nhiều ánh sáng, ánh sáng bừng tỏa của hội đuốc hoa. Hình ảnh ánh lửa bập bùng trở thành đuốc hoa rực rỡ gợi liên tưởng thú vị, tình tứ, đem đến niềm vui náo nức, rạo rực cho lòng người, niềm vui khiến đêm liên hoan giữa bộ độ và dân làng trở thành đêm hội tưng bừng. Cụm từ "bừng lên" là một điểm nhấn tươi sáng cho cả đoạn thơ, nó không chỉ đem đến ấn tượng về ánh sáng chói lòa, đột ngột của lửa, của đuốc, xua tan đi cái tối tăm, lạnh lẽo của núi rừng mà còn thấy được niềm vui rạo rực trong lòng người.

     Hai chữ "kìa em" ở câu thơ thứ hai "Kìa em xiêm áo tự bao giờ" như lời chào đón đầy ngạc nhiên sung sướng đến ngỡ ngàng. Lời chào đón mang tính phát hiện. Em lạ mà quen, quen mà lạ. Quang Dũng phát hiện ra vẻ đẹp rực rỡ của cô gái bằng cả niềm yêu, niềm say đến cảm phục. Yêu say từ vóc dáng đến trang phục. Tiếp đó là là tiếng “Khèn man điệu” đã chắp cánh cho tâm hồn những người lính Tây Tiến thăng hoa, mọi mỏi mệt như bị đẩy lùi, thêm vào đó là lòng yêu đời, yêu miền đất lạ. "Man điệu" có thể hiểu là vũ điệu uyển chuyển của các sơn nữ, cũng có thể hiểu là giai điệu say đắm, ngọt ngào, vừa hoang sơ, bí ẩn vừa mới mẻ, la lùng làm mê hoặc lòng người. Tác giả sử dụng từ ban đầu là "em" tiếp đến là "nàng" rồi sau lại là "em". Từ cách sử dụng ấy ta cảm nhận được "em" như một nàng tiên kiều diễm và ta như lạc vào cõi thần tiên với không khí mê say đến ngây ngất. Chính trong không khí của âm nhạc, vũ điệu ấy đã chắp cánh cho tâm hồn những người lính Tây Tiến thực sự ngất ngây trước người và cảnh.

      Với tâm hồn hào hoa, nghệ sĩ đặc biệt nhạy cảm với cái đẹp, người lính Tây Tiến đắm say chiêm ngưỡng và cảm nhận những hình ảnh rự rỡ, những âm thanh ngọt ngào của đêm lửa trại để được thả hồn phiêu diêu bay bổng trong thế giới mơ mộng để xây hồn thơ giữa những điệu nhảy, điệu múa, những vẻ đẹp say người của phương xa, đất lạ. Những đêm lên hoan văn nghệ như chất men say làm hồn thơ của Quang Dũng thăng hoa khiến Tây Tiến trở thành vẻ đẹp của sự mềm mại, trữ tình, tha thiết nhớ. Vượt lên trên những chất liệu hiện thực cụ thể, người đọc chỉ thấy cái rộn ràng tình tứ, bóng dáng thướt tha yêu kiều của em ngọt ngào lướt đi trong các vũ điệu và âm nhạc bước ra từ một nền văn hóa xứ lạ phương xa đầy quyến rũ và mê hoặc.

     Bốn câu thơ tiếp theo là cảnh sắc Tây Bắc gợi cảm giác mênh mang, huyền ảo:

 Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

     Nỗi nhớ miền Tây được gửi gắm vào lời nhắn với người đi, nhưng đâu phải nhắn với ai đó mơ hồ mà thực ra nhà thơ đang để lòng mình da diết hướng về Châu Mộc, hướng về vùng núi rừng miền Tây trong chiều sương nhạt nhòa, màn sương huyền ảo của núi rừng. Trong màn sương nhạt nhòa của hoài niệm, khi nhà thơ để lòng mình trở về với Châu Mộc chiều sương ấy, con người miền Tây chỉ hiện lên như một bóng dáng mờ xa, huyền ảo. Đó là một sáng tạo mới mẻ về ngôn từ thể hiện chất lãng mạn đặc sắc của hồn  thơ Quang Dũng.

      Bằng thủ pháp nghệ thuật nhân hóa, Quang Dũng đã cảm nhận những cánh lau qua hai từ vô cùng tinh tế, đó là “hồn lau” gợi cảm giác hoang vắng, tĩnh lặng, vừa có chút gì đó thiêng liêng phảng phất chút tâm linh rừng núi. “Nẻo bến bờ” là nhìn đâu cũng thấy mênh mang hồn lau. Những cây lau không còn vô tri vô giác mà có linh hồn. Phải là một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế, tài hoa và lãng mạn mới cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ ấy. Rừng núi đã chia sẻ buồn vui với chiến sĩ trên đường hành quân, nay người đã đi xa, ngàn lau vẫn ở lại giữa mênh mông gió núi, hình dung về những hàng lau cô đơn nẻo bến bờ khiến nỗi nhớ càng xao xác trong lòng người chến sĩ đã gắn bó và đã chia xa miền Tây. Giữa hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc hiện lên đầy sức sống và lãng mạn thì hình ảnh con người nơi đây hiện lên mang một vẻ đẹp khỏe khoắn, bất khuất, kiên cường: “Có nhớ dáng người trên độc mộc’’. Điệp ngữ “có thấy – có nhớ” luyến láy như khắc chạm vào lòng người một nỗi nhớ da diết, cháy bỏng khôn nguôi. “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Đó là sự đối lập giữa cái dữ dội của thiên nhiên “Trôi dòng nước lũ” với cái mềm mại, dễ thương “hoa đong đưa” đã làm cho thiên nhiên hòa hợp cùng với xúc cảm của con người.  Dáng hoa ấy hoà hợp với dáng người trên độc mộc làm nên một bức tiểu họa thật lãng mạn mà cũng thật hào hùng.

          Hùng vĩ gắn với thơ mộng là cái nhìn riêng của hồn thơ Quang Dũng trước núi rừng Tây Bắc. Xuyên qua cảnh vật là một hoài niệm tinh tế mà sâu nặng, bâng khuâng một tình yêu không nói hết của tác giả với một vùng đất gắn bó thiết tha một thời với người lính. Bút pháp chấm phá thật tinh tế. Không gian sông nước thì rộng lớn, cảnh thì thưa thớt, thấp thoáng bóng người, bóng hoa. Cảnh không rõ nét mà mờ nhạt, tất cả phủ trong màn sương huyền thoại. Nét bút mờ nhòa này đã vẽ được cái mộng mơ của cảnh vật , cái hư ảo của hoài niệm và cái tinh tế của tình cảm.