Vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội và thơ mộng của thiên nhiên Tây Tiến trong bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng
"Có một bài ca không bao giờ quên..." Và cũng có một bài thơ như thế, những năm tháng như thế, khắc sâu vào tiềm thức bao nhiêu thế hệ người Việt ngày hôm qua, hôm nay và cả ngày mai. Đó là những năm tháng kháng chiến chống Pháp, điểm hội tụ của triệu triệu tấm lòng yêu nước và cả sự hy sinh cao cả, trong đó đẹp nhất là hình ảnh những người lính. Đề tài kháng chiến đã được bao hồn thơ cất lên với những giọng thơ khác nhau và Tây Tiến của Quang Dũng được coi là một trong những thi phẩm đặc sắc nhất. Bài thơ là nỗi nhớ về một thời chiến đấu gian khổ nhưng anh hùng của chính nhà thơ bên cạnh đoàn quân Tây Tiến.
Phần thân bài hướng dẫn phân tích Vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội và thơ mộng của thiên nhiên Tây Tiến trong bài thơ Tây Tiến - Quang Dũng
Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài song được biết nhiều với tư cách là một nhà thơ. Hồn thơ Quang Dũng là một hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu. Ông đã mang cái hào hoa của người Hà Nội và của cả xứ Đoài để làm nên chất men say lãng mạn ở Tây Tiến và cùng nhiều bài thơ khác như Những làng đi qua, Đôi mắt người Sơn Tây...Bài thơ Tây Tiến được viết năm 1948-những năm khốc liệt rực lửa của Cách mạng Việt Nam. Hào khí quyết chiến quyết thắng đã thổi vào thơ ca Việt Nam, tràn vào tâm hồn lãng mạn của Quang Dũng để ông viết nên Tây Tiến.
Mở đầu bài thơ là một tiếng gọi thân thương từ hiện tại về quá khứ: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!" Thán từ ơi! ngân dài tha thiết, nhiều thanh bằng khiến câu thơ trở nên nhẹ nhàng và êm ái. "Nhớ chơi vơi" là nỗi nhớ miên man, không định hình mà bâng khuâng man mác, không cụ thể mà bao trùm cả không gian và thời gian. Hai câu đầu bài thơ mang cái bâng khuâng hoài niệm để gọi về những gì thân thương thuộc đáng nhớ nơi tâm tưởng nhà thơ. Bài thơ mở đầu bằng những tiếng thổn thức của lòng người đã xa Tây Tiến đang sống trong hoài niệm.
Đầu tiên là nỗi nhớ thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, dữ dội. Theo lời thơ, một hành trình Tây Tiến gian khổ, nhọc nhằn, đầy thử thách với con người hiện ra: Dòng sông Mã-chạy dọc miền biên gới Tây Bắc là dòng sông thiêng, sông của một miền núi rừng. Dòng sông là chứng nhân lịch sử, chứng kiến buồn vui của đời lính. Dòng sông như một bản trường ca của rừng già chảy vào bài thơ như một dòng hoài niệm để đến cuối bài thơ lại vang lên: "Sông Mã gầm lên khúc độc hành". Sương dày lấp cả đường đi, lấp dáng người trong mờ mịt. Dốc rồi lại dốc, khúc khủy, gập ghềnh đường lên, rồi thăm thẳm hun hút đường xuống. Ở Tây Tiến, câu chữ như bị bẻ gãy để tạo hình độ cao dựng đứng giữa hai triền dốc núi:
"Dốc lên khúc khủy dốc thăm thẳm
...
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống"
Dốc dựng đứng trời, khi chinh phục được tưởng chừng con người đang bồng bềnh đứng giữa biển mây. Ý thơ của Quang Dũng không chỉ tả cảnh mà còn tả ý chí tâm hồn của người lính. Người lính Tây Tiến đứng trước thiên nhiên khắc nghiệt không bị chìm đi mà lại trỗi dậy đầy thử thách gợi nhớ đến hình ảnh rất đẹp của người Vệ quốc quân trong thơ Tố Hữu:
Rất dẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo
Trong bức tranh Tây Tiến người đọc như còn nghe thấy tiếng nước gầm thét thị oai sức mạnh hoang sơ bản năng của núi rừng tiềm ẩn từ ngàn năm và tiếng gầm của cọp dữ...quả là một Tây Tiến vô cùng dữ dội được đậm tô, điêu khắc qua mỗi đường nét ngôn từ và hình ảnh. Đó là những âm thanh dữ dội, bí hiểm, man rợ như khúc hòa tấu của chốn oai linh. Núi rừng Tây Tiến đầy thử thachgs thách khiến chúng ta tưởng chừng như còn nghe thấy hơi thở nặng nhọc của họ trên mỗi chặng hành quân vượt dốc, những gương mặt dãi dầu sương gió "gục trên súng mũ bỏ quên đời". Từ láy "dãi dầu" thể hiện tất cả những vất vả, nhọc nhằn của các anh chiến sĩ khi hành quân. Có thể hiểu đây là câu thơ miêu tả một thực tế đau xót trên chiến trường khi người lính kiệt sức, gục ngã không thể bước tiếp cùng đồng đội. Tuy nhiên có thể thấy người lính gục ngã, kiệt sức khi đang đi giữa hàng quân nhưng súng mũ vẫn bên mình- như vậy là dù không vượt qua được khó khăn nhưng anh cúng không thoát lui, chùn bước, không đầu hàng khó khăn, không rời bỏ đội ngũ. Cách diễn đạt chủ động trong cụm từ "không bước nữa", "bỏ quên đời", Quang Dũng đã làm hiện lên sự kiêu bạc, ngang tàng của những người chiến binh dãi dầu mưa nắng.
Chinh phục được đỉnh núi rồi lại có một phát hiện đặc biệt về độ cao "Heo hút cồn mây súng ngửi trời". "Cồn mây" là một sự liên tưởng đặcsắc cho thấy mây miền Tây bộn bề chồng chất dựng lên thành cồn thành dốc, từ đó câu thơ gián tiếp cho thấy dốc miền Tây cao đến mức con đường như lẫn vào mây, mây bao phủ đường núi, mây mờ mịt, mây khiến con đường hành quân của chiến sĩ càng trở nên cheo leo, hiểm trở, hoang vu. "Súng ngưởi trời" là cách nói tếu táo, vui đùa của lính tráng. Tác giả cho thấy tâm hồn trẻ trung của những người lính phong trần coi thường mọi gian lao, vất vả. Mặc dù cuộc sống gian khổ không phải là điều nhà thơ chú trọng phác họa nhưng trước mắt ta vẫn hiện ra cái khắc nghiệt của rừng núi. Nhà thơ Tố Hữu đã từng có những câu thơ:
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng, chí không mòn
Tố Hữu miêu tả thẳng cảnh sống người lính. Quang Dũng không làm thế, ông chỉ mô tả cái cảnh hoang vu, hoang dã của một miền rừng núi nhưng qua cảnh đó ai cũng hiểu được đời lính gian lao như thế nào.
Giữa mạch thơ tập trung đậm khắc cái dữ dội tột đỉnh của thiên nhiên, hiện ra một cái nhìn vô cùng bay bổng của người lính Tây Tiến" Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Hình ảnh mưa xa khơi có thể coi như một phép liên tưởng cho thấy cả thung lũng mờ mịt trong biển mưa, không gian như mênh mang xa vời hơn. Giữa rừng mưa buốt lạnh, giữa núi rừng mênh mông, hình ảnh ngôi nhà gợi cảm giác ấm áp, yên bình làm trào dâng nỗi nhớ nhung, xao xuyến của lòng người xa quê. Người lính Tây Tiến dường như đã quên hết mệt mỏi, gian khổ phóng tầm mắt ra xa. Trong màn mưa phủ kín đất trời, một vài đốm nhà nhỏ ẩn hiện thấp thoáng bồng bềnh. Tất cả những nét phác thảo ấy sẽ được tác giả đặc tả khi khắc họa bức tượng đài nghệ thuật về họ.
Khép lại hành trình gian khổ là hình ảnh một sự sống thanh bình, yên ả trên miền Tây bắc:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Cảm giác no ấm, yên bình gợi lên trong ta trước hết do làn khói lam chiều và mùi hương nếp xôi nồng nàn quyến rũ. Mai Châu cái địa danh ta chưa từng biết đến nhưng trở nên thân thiết từ bao giờ nhờ câu thơ thơm nếp xôi và nỗi nhớ không thể không cất lên thành lời của Quang Dũng "Nhớ ôi Tây Tiến...". Người ta thường nói mùa hoa, mùa quả...đó là thời điểm căng tràn sung mãn, đầy ắp sắc hương của hoa trái...tác giả tạo ra một nét nghĩa táo bạo và thật đa tình trong tập hợp từ mới mẻ "mùa em" khiến cho Mai Châu không chỉ là một địa danh mà nó còn gắn với kỷ niệm thơm thảo của xôi nếp đầu mùa, của tình quân dân sâu nặng.
Thông qua bức tranh thiên nhiên đặt trong sự trải nghiệm của chiến sĩ Tây Tiến trên đường hành quân, có thể thấy vẻ đẹp tâm hồn những người lính: họ lạc quan, mạnh mẽ coi thường mọi gian nan, vất vả, những thử thách của thiên nhiên chỉ càng làm rõ hơn ý chí, sức mạnh, tâm hồn trẻ trung và tư chất nghệ sĩ của họ. Sức hấp dẫn chủ yếu của đoạn thơ đầu là vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội, hoang sơ của núi rừng miền Tây trải theo chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến. Bút pháp lãng mạn ưa cực tả và thủ pháp đối lập đã tạo ra trong đoạn thơ bên cạnh những mảng vẽ đậm, bạo tay là những đường nét mảnh mai, hư thực.