Nêu ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Trung bình: 4,55
Đánh giá: 111
Bạn đánh giá: Chưa

          Mỗi nhà văn, nhà thơ đều chọn riêng cho mình một vùng quê để thổi hồn lên những tác phẩm đặc sắc. Nguyễn Trung Thành là nhà văn đã sống và gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên kiên cường bất khuất suốt cả hai chặng đường chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Rừng xà nu là một trong những tác phẩm tiêu biểu, là bản hùng ca mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn về cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên, của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Và Tnú được coi là nhân vật tiêu biểu nhất của tác phẩm, hình ảnh đôi bàn tay Tnú để lại cho người đọc nhiều ấn tượng. Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, tác giả đã để hình tượng Tnú cùng hình ảnh đôi bàn tay hiện ra với một góc nhìn đầy tính chất anh hùng của thời đại.


Phần thân bài "Nêu ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành"

          Tnú được coi là một nhân vật anh hùng, một người con vinh quang của dân làng Xô Man Tây Nguyên. Tnú là đại diện cho số phận và con đường đi lên của dân tộc. Anh là một đứa trẻ mồ côi được dân làng nuôi dạy từ nhỏ đến khi lớn đi theo anh Quyết để làm nhiệm vụ gửi thư cho những người làm cách mạng ở trong rừng. Bàn tay Tnú gợi ra được cái tính cách và cuộc đời của con người Tây Nguyên . Nhiều lúc anh phải chịu những đau khổ với những đòn đau của địch. Bàn tay ấy cầm chông cầm giáo, bàn tay ấy dang  rộng để bao bọc vợ con dù phải hi sinh cả thân mình. Và đến cuối cùng bàn tay ấy cũng giết chết biết bao nhiêu kẻ địch để báo thù cho tất cả những đau thương mà nó cũng như chủ nhân nó phải chịu. Bàn tay Tnú xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm.    

     Mở đầu câu chuyện, tác giả vẽ nên hình ảnh đôi bàn tay lúc nhỏ, Tnú ngày ngày lên rẫy trồng tỉa, mang gạo nuôi cán bộ hoạt động bí mật ở rừng sâu. Đó là một việc làm hết sức nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nhưng Tnú không hề sợ hãi. Khi anh Quyết hỏi "Các em không sợ giặc bắt à ? Nó giết như anh Xút, như bà Nhan đó" Tnú đã trả lời ngay "Cụ Mết nói: Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn". Bàn tay Tnú được miêu tả vụng về khi cầm viên phấn bằng đá trắng để tập viết chữ lên tấm bảng đen đan bằng nứa hun khói xà nu. Khi học bài mãi không thuộc, chính bàn tay ấy cầm đá tự đập vào đầu khiến cho máu chảy ròng ròng. Bàn tay ấy làm nổi bật lên hình ảnh của một anh hùng Tây Nguyên, bàn tay mang một vẻ đẹp gan dạ, không sợ kẻ thù. Khi bị giặc bắt, đôi bàn tay ấy chỉ thẳng vào bụng mà nói “cộng sản ở đây này”. Qua đó, ta càng thấy rõ được Tnú là người gan góc như thế nào. Khi bị giặc bỏ tù, ba năm sau, Thú vượt ngục trở về làng, đôi tay anh cần mẫn lấy đá trên đỉnh núi Ngọc Linh về để dân làng mài giáo mác giết giặc. 

     Khi lớn lên, đôi bàn tay Tnú che chở cho vợ con và quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù. Bàn tay ấy còn rứt đứt hàng chục trái vả thể hiện sự căm thù của quân giặc trong cái đêm mà mẹ con Mai bị tra tấn. "Cây sắt thứ hai đập vào trước ngực Mai, chị lật đứa bé ra sau lưng. Nó lại đánh sau lưng, chị lật thằng bé ra trước ngực. Trận mưa cây sắt mỗi lúc một dồn dập. Không nghe thấy tiếng thét của Mai nữa. Chỉ nghe đứa bé khóc ré lên một tiếng rồi im bặt. Chỉ còn tiếng cây sắt nện xuống hừ hự". Cho dù cụ Mết đã hết sức can ngăn nhưng chứng kiến cảnh vợ con bị tra tấn tàn bạo, Tnú không thể chịu nổi "hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn". Tình yêu thương vợ con tha thiết và căm thù giặc sôi sục khiến Tnú thà chết xông ra để cứu vợ con. Tiếng lên đạn lách cách quanh anh. Hình ảnh hai mẹ con Mai chui vào ngực anh, hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai và hai mẹ con chết trong vòng tay ấy như đẩy nỗi đau đớn lên đến tột cùng. 

ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

     Chi tiết gây cho người đọc sự ám ảnh chính là hình ảnh đôi bàn tay Tnú bị giặc quấn giẻ tẩm nhựa xà nu và đốt cháy. Hình ảnh ấy có ý nghĩa tố cáo tội ác của kẻ thù đồng thời còn thể hiện lòng dũng cảm, khí phách kiên cường của Tnú. "Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón". "Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc. Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng. Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: "Người cộng sản không thèm kêu van…". Tnú không thèm, không thèm kêu van". "Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Cháy! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!”. Hình ảnh đôi bàn tay cháy rừng rực của Tnú thể hiện phẩm chất dũng cảm phi thường của người anh hùng thời đại.  Cho dù da thịt có bị thiêu đốt đau đớn như thế nào đi nữa anh cũng không hề khóc lóc, kêu van. Nỗi đau nén lại trong lồng ngực để rồi òa vỡ ra thành một tiếng thét dữ dội. Tiếng thét ấy làm cho dân làng Xô Man bừng tỉnh, thôi thúc dân làng vùng dậy cầm giáo cầm mác giết chết cả tiểu đội lính ngụy. Đôi ban tay rực cháy ấy không làm cho dân làng Xô Man nao núng, khiếp sợ. Ngược lại, hình ảnh đó như tiếp thêm sức mạnh để dân làng vùng lên giết giặc.     

     Sau đêm đó, Tnú rời làng tham gia lực lượng vũ trang. Đôi bàn tay với các ngón bị cụt như một chứng tích tội ác của quân thù. Thời gian dần dần làm lành vết thương trên mười ngón tay Tnú nhưng nỗi đau mất vợ mất con vẫn còn nguyên đó. Đôi bàn tay cụt mỗi ngón chỉ còn hai đốt của Tnú tiếp tục cầm súng chiến đấu với kẻ thù. Trong một trận đánh, Tnú đã dùng đôi bàn tay không còn nguyên vẹn của mình bóp chết tên chỉ huy giặc khi nó cố thủ trong hầm. Giống cánh rừng xà nu với sức sống bất diệt, đôi bàn tay bị giặc đốt cháy của Tnú vẫn giúp anh đã trở thành niềm tự hào to lớn của dân làng Xô Man bất khuất, kiên cường. Anh trực tiếp cầm súng để chiến đấu giành độc lập cho quê hương. Đôi bàn tay ấy cũng giúp người đọc hình dung ra được sự chuyển biến trong phương thức đấu tranh thời bấy giờ. Từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh vũ trang, từ hai bàn tay của người nông dân, không vũ khí, nay chuyển thành tự trang bị vũ khí để đấu tranh, tiêu diệt kẻ thù. Đôi bàn tay Tnú cũng là đôi bàn tay anh hùng. Tnú đã lập được nhiều chiến công ngay cả khi đôi tay anh không còn nguyên vẹn. 

          Bằng bút pháp sử thi, Nguyễn Trung Thành đã xây dựng một nhân vật Tnú kiên cường, bất khuất. Hình ảnh đôi bàn tay được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một biểu tượng đầy ý nghĩa của cuộc đời đầy đau thương, mất mát và căm hờn. Nó còn là bằng chứng sống của tội ác mà kẻ thù gây ra, thể hiện tính chất một cuộc chiến tranh khốc liệt. Hình ảnh đôi bàn tay Tnú tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của người dân Tây Nguyên nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.