Phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt - kim Lân

Trung bình: 4,44
Đánh giá: 92
Bạn đánh giá: Chưa

          Kim Lân là một cây bút truyện ngắn vững vàng, ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng. “Vợ nhặt” là một truyện ngắn thành công của nhà văn, viết về thời kỳ xảy ra nạn đói khủng khiếp năm 1945. Truyện ngắn không chỉ được tác giả xây dựng bằng một tình huống độc đáo mà nó còn có một chi tiết nghệ thuật đầy ý nghĩa. Nếu nhà văn Nam Cao đã đưa chi tiết "bát cháo hành" đầy tính nhân văn vào truyện ngắn Chí Phèo thì Kim Lân đã rất thành công khi đưa hình ảnh "nồi cháo cám" vào tác phẩm của mình.


Hướng dẫn phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt- kim Lân

          Truyện ngắn Vợ nhặt tái hiện lại cuộc sống nghèo đói cùng cực, thê thảm, nhưng không bế tắc của những người nông dân sống trong hoàn cảnh ấy. Kim Lân đã khắc họa thành công nhân vật Tràng, bà cụ Tứ, nhân vật người vợ nhặt. Và hơn hết, chi tiết nồi cháo cám đã đẩy câu chuyện lên đến cao trào. Đó là tận cùng của sự nghèo đói cũng là đỉnh cao của tình cảm giữa những người có chung hoàn cảnh, đặc biệt là tình cảm của người mẹ đối với con dâu. 

     Hình ảnh nồi cháo cám xuất hiện ở giữa truyện, trong bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới của gia đình bà cụ Tứ. Đối với gia đình Tràng thì nồi cháo cám là món ăn xua tan cái đói, là món ăn duy nhất trong bữa tiệc đón nàng dâu mới. Đáng lẽ ra thị phải được chào đón bằng những bữa cơm thịnh soạn nhưng ngược lại chỉ là nồi cháo cám. Từ đó, ta có thể hình dung ra được sự nghèo đói, rẻ mạt của những người nông dân năm 1945. 

phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt- kim Lân
phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt- kim Lân

     Đối với bà cụ Tứ thì đó không phải là cháo cám mà là món "chè khoán". Người mẹ bưng nồi cháo "khói bốc lên nghi ngút" mời con dâu và con trai ăn. Tuy chỉ là nồi cháo cám đơn sơ, mộc mạc nhưng bà thấy gia đình thật hạnh phúc.  Bà cụ sợ con dâu buồn nên đã phân trần: “kể ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy nhưng nhà mình nghèo quá, cũng chả ai chấp nhặt gì lúc này”. Tình cảnh khốn khó ấy khiến cho người đọc không khỏi nghẹn ngào với bữa cơm đón nàng dâu thực sự thê thảm: “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành”. Bà cụ Tứ là một người mẹ đầy nhân hậu và bao dung, khi trong cảnh nghèo đói vẫn vui vẻ chấp nhận cô con dâu mới. Có lẽ vì điều này nên trong bữa cơm sáng, bà cụ đã nói toàn chuyện vui, chuyện tương lai tươi sáng để động viên các con: “Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà…ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…”. Những câu chuyện mà bà cụ nói đều là những điều tốt đẹp để hy vọng có một tương lai sẽ rộng mở hơn. Đây cũng là mong ước của tất cả mọi người trong thời kỳ khó khăn ấy.

     Tràng dù cảm thấy nghẹn bứ nơi cổ họng nhưng vẫn cố gắng ăn để mẹ vui lòng. Còn người vợ thì “điềm nhiên và vào miệng”. Chi tiết này cũng cho thấy vợ Tràng đã chấp nhận hoàn cảnh, thị đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua chuỗi ngày tháng khó khăn sắp tới. Tràng nhận thấy rằng trách nhiệm của mình ngày càng lớn, phải thay đổi để có cuộc sống tốt hơn lo cho mẹ, cho vợ và cả những đứa con sau này. Cả bà cụ Tứ, anh Tràng, vợ anh và cả người đọc đều hiểu bữa cơm như vậy không hề ngon một chút nào. Tuy nhiên cả ba người đều “ăn rất ngon lành” là vì ai nấy đều muốn thể hiện sự vui vẻ trong hoàn cảnh này. Có được những điều này có lẽ là do cả ba người cùng tin vào một tương lai sẽ tốt đẹp hơn sẽ đến với họ.

     Có thể nói rằng, hình ảnh nồi cháo cám đã để lại những ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc. Chi tiết này vừa có giá trị hiện thực lại vừa có giá trị nhân văn sâu sắc. Qua hình ảnh nồi cháo cám, đọc giả có thể hiểu hơn về tình cảnh nghèo đói, khốn khó của đồng bào ta trong nạn đói 1945. Tuy nhiên trong hoàn cảnh có khốn khó như thế nào đi nữa, người ta vẫn thấy được tình người, tình yêu thương và lòng ham sống. Tưởng chừng như sống bên bờ vực của cái chết và sự sống mỏng manh ấy, con người ta chỉ nghĩ đến những đau khổ, bất hạnh. Nhưng không, ở hoàn cảnh ấy người đọc vẫn bắt gặp tình thương của một người mẹ dành cho con, tình cảm của người vợ đối với chồng và trách nhiệm của một người chồng đối với gia đình của mình. 

          Viết về cuộc sống những người nông dân nghèo trong nạn đói ấy, mỗi nhà văn đều chọn cho mình một cách viết riêng để tạo nên dấu ấn đặc sắc trong lòng người đọc. Trái với cái nhìn bi quan, bế tắc về số phận của nông dân trong truyện của nhà văn nam Cao, Kim Lân đã thổi vào tác phẩm Vợ nhặt ngọn gió của sự lạc quan, nhìn và tin tưởng vào tương lai tươi sáng hơn. Qua hình ảnh nồi cháo cám, các nhân vật bộc lộ rõ tính cách của mình. Đồng thời giúp cho người đọc thấy được tình cảm mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm-đứa con tình thần của mình. Kim Lân cũng giúp người đọc hiểu và thông cảm cho những số phận bất hạnh thời đó.